Ban Chỉ đạo chuyển đối số và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp sơ kết công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024 vào chiều nay (9/7).
Theo báo cáo sơ kết kết quả triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 của Bộ GD&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, triển khai nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay, ngành giáo dục đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành. Trong đó, đối với cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, đã số hóa dữ liệu của gần 22.000 cơ sở giáo dục và nhóm trẻ độc lập, gần 500 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em.
Đối với dữ liệu cơ sở giáo dục phổ thông, đã số hóa dữ liệu của hơn 26,000 cơ sở giáo dục; gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh. Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học.
Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân. Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% học sinh khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ gần 700.000 thí sinh đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.
Đối với công tác cải cách hành chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính tiếp tục được lãnh đạo Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo, các đơn vị nỗ lực triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng.
Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được ưu tiên tập trung nguồn lực, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia giao. Trong đó, hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số cấp tiểu học và có hướng dẫn phương án triển khai học bạ số trong năm học 2024-2025; đưa vào khai thác, sử dụng các sản phẩm kết quả của dự án xây dựng Trung tâm quản lý, điều hành giáo dục.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, thời gian qua ngành đã làm được nhiều việc quan trọng trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính. Theo Bộ trưởng với một ngành có quy mô lớn, nhiều thách thức, các công việc chưa bao giờ là dễ dàng như ngành giáo dục thì cần trí tuệ, kinh nghiệm, quyết tâm, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính đối với ngành giáo dục, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần bắt đầu từ tư tưởng, nhận thức và phải vượt qua được “ngại” để dám làm trong công việc này.
Với công việc chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng trong công việc là không giới hạn, vai trò quản lý phải đi sớm hơn, phải bắt đầu làm ngay.
Đề cập một số việc cần làm trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo mỗi đơn vị cục, vụ hàng năm cần đăng ký một việc cụ thể ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ cho quản lý nhà nước phù hợp với đơn vị mình; có sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị. Bộ trưởng cũng yêu cầu triển khai ngay một số ứng dụng trong lĩnh vực quản lý ngành và xây dựng, triển khai khung năng lực số với cán bộ, công chức của Bộ GD&ĐT.
Về triển khai học bạ số, Bộ trưởng lưu ý đơn vị đầu mối bên cạnh đánh giá hoạt động thí điểm cần đề xuất các việc làm tiếp theo để chuẩn bị ứng dụng từ đầu năm học mới. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu triển khai một số chuyên đề sâu với sự tham gia của các chuyên gia; trong đó lưu ý việc làm sao để phát huy sự hỗ trợ của AI giải quyết một số vấn đề mà ngành đang đối mặt.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/vuot-ngai-trong-chuyen-doi-so-va-cai-cach-hanh-chinh-giao-duc-a80250.html