Hát Xẩm được coi là loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam đã có hơn 700 năm nay và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn. Không giống như các loại hình âm nhạc khác, sân khấu hát Xẩm của nghệ sỹ là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo.
Theo truyền thuyết, vào đời nhà Trần, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh mù mắt bị bỏ trong rừng sâu, được Bụt dạy cho cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông làm theo lời dạy của Bụt thì thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay thu hút sự chú ý của muôn loài. Trần Quốc Đĩnh đã dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung. Vua Trần Thánh Tông mời ông vào hát và nhận ra đó là con mình. Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát Xẩm đã ra đời từ đó, còn Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát Xẩm. Người dân lấy ngày 22/2 và 22/8 âm lịch làm ngày giỗ của ông.”
Lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm do Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tổ chức theo nghi lễ truyền thống, có sự tham dự của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân và các CLB, chiếu Xẩm trên toàn quốc, như: Nghệ sĩ Thao Giang Giám đốc Trung tâm, phó giám đốc nghệ sĩ Trương Ngọc Xuyên, Phó giám đốc nghệ sĩ ưu tú Văn Ty, Nghệ sĩ dân gian Đức Huy, Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm, Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Phương Hồng, Nghệ nhân ưu tú Hữu Cạnh,....
Ông Ngô Văn Đảm – Nghệ nhân Nhân dân chia sẻ về nguồn gốc của ngày lễ giỗ tổ Nghề hát Xẩm: “Nguồn gốc của nghề hát Xẩm hiện chưa thể xác định được xuất hiện từ bao giờ nhưng có một điều đặc biệt, nghề hát Xẩm là tiếng hát của người mù, là nỗi niềm suy tư về cuộc sống từ tận sâu trong lòng người. Người ta nghĩ đến đâu người ta hát đến đó, hát trong dân gian hát những câu hát mang đạo lý, lời răn. Nhạc Xẩm thường mang tính ai oán, đa phần được lấy từ dòng nhạc “Lâm khốc” nhưng đến nay đã được cải biên, cải tiến lại mà người mới đây nhất làm điều đó là Nghệ sĩ Thao Giang và Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam giúp cho dòng nhạc trở nên tươi mới, trẻ trung và vui vẻ hơn, không còn bi ai như trước nữa”.
Ông Trương Ngọc Xuyên – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cho biết: “Mặc dù không phải là đơn vị duy nhất tổ chức ngày lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm nhưng đơn vị là nơi khôi phục và phục dựng lại bộ môn hát Xẩm cho đến ngày nay. Việc tổ chức ngày lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm là hoạt động thường niên của Trung tâm. Ngoài nhiệm vụ và chức năng của Trung tâm là bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc dân gian của nhiều các bộ môn nghệ thuật khác mà đặc biệt là bộ môn Hát Xẩm, trong những năm qua chúng tôi đã truyền dạy lại bộ môn này đến đông đảo người dân trên cả nước, truyền bá và tập huấn cho các đơn vị chuyên nghiệp như Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, là một đơn vị nghệ thuật hàng đầu trong nước. Từ đó đã gặt hái được rất nhiều kết quả cao trên sân khấu hiện đại ngày nay. Sắp tới trung tâm sẽ phát triển những gì đã và đang làm được đó là tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật và truyền dạy những điều đó đến thế hệ trẻ kế cận, người dân và các đơn vị nghệ thuật Trung Ương. Thêm nữa trong năm vừa qua trung tâm đã giới thiệu được những nét văn hóa đó đến với một số nước tại Châu Âu và thu lại kết quả vô cùng tích cực.”
Một trong số những gương mặt trẻ tiêu biểu của nghề hát Xẩm phải kể tới nghệ nhân Bùi Công Sơn, một người trẻ thuộc thế hệ “Gen Z” rất đam mê và quyết tâm theo đuổi với nghề khi chỉ mới 22 tuổi đã là một nghệ nhân hát Xẩm chuyên nghiệp và đồng thời cũng là Phó chủ nhiệm clb hát Xẩm chợ Lồng tại quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đôi lời chia sẻ: “ Được có mặt tại buổi lễ ngày hôm nay cùng với sự góp mặt của rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ có tiếng trên khắp cả nước về đây dâng nén hương thơm tưởng nhớ đến tổ nghề là một điều vô cùng vinh dự đối với bản thân. Đây là một cơ hội tốt để mọi người có thể gặp gỡ giao lưu những bài hát Xẩm truyền thống với nhau để cùng nhau học hỏi, trao đổi kiến thức để gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này ngày càng vươn xa hơn. Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, là 1 người trẻ, em thấy việc tiếp cận đến những làn điệu âm nhạc dân gian vẫn còn nhiều hạn chế, với cá nhân em khi bước chân vào bộ môn nghệ thuật này cũng đã gặp không ít khó khăn nhưng vì cái duyên và cái nghiệp với nghề thế nên dù có gặp rất nhiều khó khăn em đều có thể kiên định vượt qua và giúp bản thân đứng vững với nghề. Trong tương lai, em vẫn sẽ cố gắng tiếp tục gìn giữ, phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa mà nghệ thuật hát Xẩm mang lại.”
Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí vô cùng trang nghiêm, ngay sau nghi lễ dâng hương hát thờ Tổ nghề và các bậc tiền nhân, các nghệ nhân, các đại biểu đã trình bày sơ kết về những hoạt động công tác đã đạt được trong năm vừa qua và lên kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, lãnh đạo Hội Âm nhạc Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam vì những đóng góp to lớn của Trung tâm trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa và nền âm nhạc dân tộc Việt Nam trong suốt khoảng thời gian vừa qua.
Một số hình ảnh về quang cảnh buổi lễ:
Huy Trần - Thu Trần
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/le-gio-to-nghe-hat-xam-gap-mat-dau-xuan-va-don-nhan-bang-khen-cua-hoi-nhac-si-viet-nam-a8483.html