Nếu như thành phố du lịch Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang dần trở thành điểm sáng về phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực đô thị, thì huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) lại đang lóe lên những “gam màu màu xanh” trong bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước - khi biến chất thải hữu cơ thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng, vừa cải thiện môi trường, vừa giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp.
Sau hơn nửa năm triển khai mô hình trên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đàn và hầu hết người dân trên địa bàn khi được hỏi, đều nhận định rằng đây là việc làm hiệu quả, không chỉ “tốt” cho môi trường mà còn “lợi” cho gia đình và xã hội.
Nâng ý thức, tạo “thuốc bổ” cho đất
Những ngày đầu năm 2023, không khí đón Tết Nguyên đán Quý Mão nô nức đến với mọi nhà. Lượng thực phẩm mà người dân ở các xóm trên địa bàn xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) mua sắm cũng vì thế nhiều hơn. Tuy vậy, lượng rác mà họ đem thải bỏ sau phi phân loại tại nguồn, lại không tăng là bao so với ngày thường.
Đó là bởi, phần lớn rác thải hữu cơ cũng như rác thải từ các nguồn thực phẩm đã được người dân đem xử lý, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Liên cho biết toàn xã có 3.412 hộ dân. Trước đây, khi chưa triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn, đất đá lẫn cả gộc chuối, bà con cũng cho chung vào bao tải. Vì thế, lượng rác thải ra môi trường rất nhiều.
Tuy nhiên, từ khi được các chuyên gia, cán bộ của Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường (nay đổi tên là Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật cũng như hỗ trợ thùng rác 3 ngăn để triển khai dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, rác thải đã được người dân phân loại bài bản.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ thùng ủ chuyên dụng (từ Bộ Tài nguyên và Môi trường) để làm phân hữu cơ (compost) bón cho cây trồng, người dân xã Kim Liên nói chung, xóm Liên Hồng nói riêng đã giảm tối đa lượng chất thải thực phẩm sau khi phân loại phải đem chôn lấp và tiết kiệm kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý.
Cụ thể, trong quá trình triển khai, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã bố trí một phần kinh phí đầu tư 735 thùng ủ để hỗ trợ người dân xã Kim Liên xử lý tại chỗ một phần chất thải thực phẩm đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Môi trường gửi công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ phần kinh phí còn lại để đầu tư 2.677 thùng ủ cho các hộ dân trên địa bàn xã Kim Liên.
Ghi nhận tại gia đình bà Lê Thị Hồng (ở xóm Liên Hồng, xã Kim Liên) cho thấy trước đây, khi chưa có dự án trên, toàn bộ chất thải từ nguồn thực phẩn, túi nylon, vỏ chai… bà đều để vào túi bóng rồi cho vào bao tải lớn đem vứt bỏ. Thế nhưng, từ ngày được dự án hỗ trợ thùng rác 3 ngăn và hướng dẫn kỹ thuật, rác thải đã được các thành viên trong gia đình bà Hồng phân loại theo từng loại khác nhau.
Theo bà Hồng, lượng rác nhiều nhất của gia đình bà là rác thải thực phẩm. Ngày trước, cứ 2-3 ngày là rác đầy túi bóng, còn nay thì khoảng 10 ngày mới đầy ngăn rác. Đặc biệt hơn, toàn bộ rác thải thực phẩm đã được bà tận dụng, đem chôn làm phân bón sạch để bồi bổ cho đất. Nhờ đó, rau màu, cây cối như ổi phát triển rất tốt.
Cách nhà bà Hồng khoảng vài trăm mét, ông Nguyễn Văn Thiện (72 tuổi) cũng bày tỏ niềm vui khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ thùng đựng rác 3 ngăn cũng như hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải tại nguồn.
Ông Thiện cho biết là gia đình phi nông nghiệp, không chăn nuôi trâu bò, không làm ruộng, nên việc phân loại rác thải tại nguồn là giải pháp rất thiết thực.
“Hồi trước, các loại rác đều vứt bỏ chung vào 1 bao tải, lẫn lộn vào nhau, vừa ô nhiễm vừa bất tiện, còn từ ngày có thùng đựng rác 3 ngăn này, văn minh hẳn. Thực lòng mà nói là người vứt rác cũng trách nhiệm, mà người đi thu gom rác cũng đỡ tốn công sức. Quan trọng hơn là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa được nguồn cơm thừa để chăn nuôi gia súc, hay rác thực phẩm làm phân bón sạch để chăm bón cho rau màu, cây cối,” ông Thiện chia sẻ.
Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, ông Thiện khẳng định việc tận dụng rác thải thực phẩm làm “thuốc bổ” (phân bón sạch) cho cây trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Rau màu, cây cối, nhờ đó mà phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn.
Những khu vườn xanh, sạch nhờ phân hữu cơ
Kế bên, tại xóm Sen 2 (xã Kim Liên), việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cũng được người dân thực hiện bài bản. Toàn xóm Sen 2 có 293 hộ dân (tương đương 842 nhân khẩu). Từ đường làng vào tới các ngõ xóm, đâu đâu cũng sạch sẽ. Trước sân nhà của các gia đình là thùng rác 3 ngăn được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất, điều này cho thấy ý thức, trách nhiệm phân loại rác của người dân rất cao.
Thẳng thắn chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng (xóm Sen 2) cho biết ngày trước, toàn bộ rác thải từ cây trồng như bã lá chè, gốc/lá chuối… đều được gia đình ông vứt vào một góc tường rồi đem đốt. Ông Hùng thừa nhận việc này đã phát tán khói gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, gia đình ông đã phân loại và đào hố ủ làm phân bón hữu cơ để chăm bón cho cây trồng. Nhờ đó mà năng suất rau màu cao hơn, an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.
Dẫn phóng viên thăm khu vườn xanh mướt các loại rau màu, ông Hùng phấn khởi khoe: “Với góc vườn 36m2 này, nhờ phân bón hữu cơ tận dụng từ rác thải thực phẩm, mà năm vừa rồi, gia đình tôi đã thu hoạch được 3 tạ (300kg) quả bí xanh. Chưa kể, các loại rau màu khác như cải, đậu, lúc nào cũng tốt tươi.”
Là gia đình có “vườn chuẩn nông thôn mới” ở xã Kim Liên, hộ bà Nguyễn Thị Thủy cũng đang làm rất tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Thời gian qua, toàn bộ rác thải thực phẩm được gia đình bà cho vào thùng ủ và máy ủ rác chuyên dụng để làm phân hữu cơ, bón cho các loại cây cảnh, đặc biệt là dàn lan các loại với số lượng lên tới hàng trăm gốc, trải dài từ cổng vào tới trong sân nhà.
Vào thăm khu vườn trên, chúng tôi như lạc vào một khu triển lãm với đủ loại sắc xanh. Trong khu vườn rộng gần 700m2, đất đai tơi xốp, cây cối xanh mướt với âm thanh líu lo của các loài chim.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Thủy cho biết là để đạt gia đình “vườn chuẩn nông thôn mới,” yếu tố quan trọng đầu tiên là phải xanh, sạch và đẹp. Vì thế, việc phân loại các loại rác thải nói chung và xử lý rác thải thực phẩm làm phân bón là điều rất thiết thực, không chỉ sạch cho môi trường, mà còn lợi cho gia đình và xã hội.
Đánh giá cao việc triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn để tiến tới triển khai bắt buộc từ cuối năm 2024, ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đàn cũng nhận định: “Qua ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy bà con Kim Liên rất ủng hộ mô hình này. Việc này đang góp phần giúp cho xã quê hương Bác ngày càng thêm xanh - sạch - đẹp. Vì thế, bà con triển khai thực sự, chứ không phải làm theo kiểu đối phó, hình thức.”
Đáng chú ý, theo ông Lâm, trong bối cảnh huyện Nghĩa Đàn đang gặp khó khăn về bãi chôn lấp và chưa có nhà máy xử lý rác thải (hiện nay rác thải trên địa bàn đang phải đưa về bãi rác chung của thành phố) thì việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn không chỉ góp phần giảm khối lượng rác phát sinh phải thu gom, vận chuyển và xử lý, mà còn tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra.
“Bằng mọi cách phải làm thật tốt”
Nhấn mạnh Kim Liên là xã quê hương Bác với văn hóa, lịch sử mang tầm quốc gia và thế giới, ông Hồ Sỹ Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đàn cho biết hiện nay toàn huyện nói chung và xã Kim Liên nói riêng đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018-2025; trong đó công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí cần đạt được khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể là tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn phải lớn hơn 40%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên.
“Hiện nay, dự án thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được triển khai trên địa bàn với nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng, chưa kể công sức, trí tuệ ‘đổ’ vào đó. Đây cũng như một đề tài khoa học nên bằng mọi cách, cần phải làm tốt,” ông Hải nói đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng với địa phương để triển khai dự án thí điểm thực sự hiệu quả.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Ngọc Tĩnh-Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhấn mạnh sau một thời gian triển khai dự án trên, công tác bao vệ môi trường nói chung và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở Kim Liên bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thay vì bỏ chất thải rắn hỗn hợp như trước, giờ đây nhiều hộ dân tại xã Kim Liên đang thực hiện nghiêm túc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại theo quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 gồm: Chất thải thực phẩm, chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng, và chất thải khác.
Đáng chú ý, hiện nay công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã góp phần đáng kể làm giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phải mang đi xử lý. Bởi vậy, việc thực hành phân loại rác thải tại nguồn đã góp phần đem lại một diện mạo mới cho vùng quê Kim Liên, khi các con đường làng đã trở nên xanh, sạch, đẹp hơn.
Tuy vậy, ông Tĩnh cũng lưu ý hiện lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên thực tế vẫn còn cao, gây áp lực rất lớn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong khi đó, hầu hết chi phí cho việc xử lý rác đều do ngân sách nhà nước chi trả.
“Do đó việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trên quy mô toàn quốc,” ông Tĩnh chia sẻ và nhấn mạnh việc triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) là mô hình điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tới đây sẽ triển khai ra nhiều địa phương khác trên cả nước./.
Mời độc giả đón đọc Bài 3: Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Phải đồng bộ từ “gốc” tới “ngọn”
Hùng Võ
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/xu-ly-rac-thai-ran-sinh-hoat-tai-nguon-menh-lenh-khong-the-tri-hoan-a8591.html