Theo một số phương tiện truyền thông, hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS và Credit Suisse đang đàm phán về một thỏa thuận mua lại và sáp nhập - một động thái từ lâu được cho là không thể tưởng tượng được vì hai ngân hàng này quá giống nhau.
Nguồn tin cho hay, giới chức Thụy Sĩ đang khuyến khích các cuộc đàm phán để UBS tiếp quản đối thủ nhỏ hơn là Credit Suisse nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư trước khi thị trường mở cửa trở lại ngày 20/3.
Mặc dù Credit Suisse đã nhận được “phao cứu sinh” là khoản cứu trợ trị giá 54 tỷ USD từ Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB), nhà đầu tư vẫn lo lắng về số phận của ngân hàng Thụy Sĩ này sau sự sụp đổ của hai ngân hàng ở Mỹ đang làm dấy lên nguy cơ khủng hoảng tài chính lan rộng.
Trong tuần qua, một số nhà phân tích Mỹ đã gợi ý khả năng UBS tiếp quản Credit Suisse. Năm 2022, USB thu được 7,6 tỷ USD lợi nhuận ròng, trong khi Credit Suisse ghi nhận khoản lỗ 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD).
Cả hai ngân hàng đều có phần lớn doanh thu từ quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư. UBS là ngân hàng hàng đầu thế giới về quản lý tài sản và mảng kinh doanh này đã đóng góp gần 15% vào tổng doanh thu 34,5 tỷ USD của UBS vào năm 2022.
Mảng quản lý tài sản của Credit Suisse đóng góp 22% trong tổng doanh thu 22,4 tỷ franc Thụy Sĩ của ngân hàng này.
Ngân hàng đầu tư chiếm 25,2% doanh thu của UBS, so với gần 20,6% tại Credit Suisse. Hai ngân hàng này cũng điều hành nhiều hoạt động tương tự như tư vấn mua bán và sáp nhập.
Tháng 10/2022, Credit Suisse đã khởi động một dự án tái cơ cấu lớn với kế hoạch tách ngân hàng đầu tư ra khỏi các hoạt động còn lại sau một loạt vụ bê bối.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc cải tổ này quá phức tạp, và UBS có thể muốn tránh xa việc tiếp quản mảng ngân hàng đầu tư đang gặp nhiều vấn đề của Credit Suisse.
Cả UBS và Credit Suisse đều hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ trong nước. UBS có mạng lưới gần 200 chi nhánh ở Thụy Sĩ, so với 95 chi nhánh của Credit Suisse.
Chi nhánh ngân hàng nội địa Thụy Sĩ của Credit Suisse, được coi là một trong những “viên ngọc quý” của ngân hàng này, đặc biệt hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thế chấp và cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính khổng lồ JPMorgan (Mỹ) cho rằng mảng ngân hàng bán lẻ của Credit Suisse có thể sẽ phải được tách ra hoặc niêm yết riêng trên sàn giao dịch chứng khoán trong trường hợp ngân hàng này bị mua lại.
Ủy ban Cạnh tranh của Thụy Sĩ có thể miễn cưỡng chấp thuận việc sáp nhập trong trường hợp này.
UBS và Credit Suisse đang là hai “trụ cột” của ngành ngân hàng tại một quốc gia nổi tiếng toàn thế giới về ngành tài chính-ngân hàng.
UBS ra đời năm 1998 khi Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sĩ sáp nhập với Ngân hàng Liên minh Thụy Sĩ. Credit Suisse được thành lập vào năm 1856 bởi doanh nhân Alfred Escher với mục tiêu tài trợ cho sự bùng nổ đường sắt Thụy Sĩ.
Credit Suisse cũng đã đứng sau sự xuất hiện của những công ty bảo hiểm sừng sỏ như Swiss Life và Swiss Re, những “gã khổng lồ” công nghiệp như Brown Boveri - “ông tổ” của tập đoàn kỹ thuật ABB.
Ngày nay, UBS có 72.597 nhân viên trên toàn cầu, còn con số này của Credit Suisse là 50.480 nhân viên.
Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann đã làm việc hơn 11 năm tại UBS trước khi được mời vào “ghế nóng” vào năm 2021 đến tìm ra phương án xoay chuyển tình thế của Credit Suisse.
Và Giám đốc điều hành của Credit Suisse hiện nay, ông Ulrich Korner, đã từng rời ngân hàng này để gia nhập UBS và rồi lại quay trở lại Credit Suisse, trước tiên là để cứu bộ phận quản lý tài sản và sau đó là toàn bộ ngân hàng này./.
Mai Ly
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ubs-va-credit-suisse-van-may-khac-nhau-cua-hai-ngan-hang-thuy-si-a8628.html