Hòa Phong và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) là hai xã bùng phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Đà Nẵng khiến những hộ chăn nuôi điêu đứng.
Bay sạch cơ nghiệp
Trại nuôi lợn của ông Năm nằm ở nơi xa khu dân cư. Chuồng có 24 con, vào đầu tháng 8, bỗng nhiên 2 con bỏ ăn, lơ ngơ rồi lăn ra chết. Ông Năm báo lên thôn, cán bộ thú y về lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện lợn chết do dịch tả châu Phi nên mang đi tiêu hủy. Hôm sau, 6 con trong cùng chuồng cũng được xét nghiệm và có kết quả bị dịch tả châu Phi và phải mang đi tiêu hủy. Suốt mấy ngày qua, ông Năm không dám rời chuồng trại, hết phun thuốc lại dọn vệ sinh, chăm bẵm nấu nướng cho đàn lợn như nuôi con mọn. Ông còn canh không cho người lạ, chó, mèo, gà, vịt chạy vào khu vực chăn nuôi lợn, vì sợ lây bệnh.
Cách đó một cánh đồng là thôn Cẩm Toại Tây, lợn của dân cũng vướng dịch tả. Nhà ông Nguyễn Lương Cừ có đàn lợn 9 con, trung bình mỗi con đã nặng tới 40kg vừa mắc bệnh phải tiêu hủy.
Ngược lên xã Hòa Ninh, những ngày này gia đình ông Huỳnh Văn Huyn (thôn Năm) cũng điêu đứng vì dịch. Cuối tháng 7, đàn lợn 36 con của ông có 10 con bỏ ăn, xuất huyết. Sau đó vài con lăn ra chết, cán bộ thú y đến lấy mẫu xét nghiệm và kết luận lợn bị dịch tả. Thế là chuồng lợn “cơ nghiệp”, mỗi con hơn ba chục ký của ông bị cuốn sạch trong phút chốc. Nếu lợn không “gặp nạn”, đợi nuôi lớn xuất chuồng ông sẽ thu hơn cả trăm triệu đồng.
Đến thời điểm này, huyện Hòa Vang có 2 xã, với 5 thôn xuất hiện dịch tả lợn. Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện nhìn nhận dịch bùng phát trên địa bàn huyện ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế, thu nhập của người chăn nuôi, đặc biệt là những gia đình có lợn bị dịch. Nhiều người chăn nuôi không bán được lợn hoặc bị thương lái ép giá.
Cả làng chống dịch
Toàn huyện Hòa Vang có gần 900 hộ, trang trại chăn nuôi lợn, khi dịch ập đến, không chỉ hộ gia đình có lợn dính dịch điêu đứng mà tất cả những nhà nuôi lợn đều “ngồi trên lửa”.
Cùng với việc khoanh vùng ổ dịch, thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt, ngăn chặn dịch lây lan, chính quyền huyện Hòa Vang đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông lợn và các sản phẩm từ lợn. Các quán bún, mì… được yêu cầu đổi thịt lợn bằng thịt bò hoặc nghỉ kinh doanh vì có bán cũng chẳng ai ăn.
Ông Duy Hùng (Trưởng thôn Cẩm Toại Tây) cho hay, ngoài việc đến từng nhà, họp hành tuyên truyền cho bà con về dịch tả lợn, thôn còn thông báo tình hình mỗi ngày trên 3 cụm loa bố trí khắp thôn, đảm bảo mọi nhà đều nghe được. Mỗi tổ trưởng trong thôn phải nắm hết số hộ nuôi, số lượng, tình hình sức khỏe lợn hằng ngày.