Chiều 23/3, tại buổi Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Du lịch Thành phố tổ chức, các doanh nghiệp cho biết, đang đối mặt với những thách thức về nguồn khách, nhân sự, tính cạnh tranh...
Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế hơn các địa phương khác với hơn 3.227 cơ sở lưu trú du lịch rộng khắp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở lưu trú đạt điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch và khách sạn 1-3 sao trên địa bàn đang phải nỗ lực vượt khó duy trì hoạt động.
Từ đầu năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành cùng Thành phố xây dựng hệ sinh thái du lịch, chủ động triển khai nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển ngành.
Mặc dù vậy, hệ thống khách sạn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn chưa kịp hồi phục như kỳ vọng, nhất là sức mua của thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng như cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao đã dịch chuyển sang ngành, nghề, lĩnh vực khác.
Bà Nguyễn Hoàng Như Thảo, đại diện khách sạn Wink (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch COVID-19 cùng sự suy thoái của kinh tế trong và sau dịch dẫn đến hàng loạt thị trường khách du lịch lớn và trọng điểm phải đóng cửa. Đồng thời, những yếu tố này cũng thay đổi hành vi khách hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện khách sạn A25 (Thành phố Hồ Chí Minh), doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của sở, ngành thành phố trong đẩy mạnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Trên cơ sở nền tảng này, doanh nghiệp mới được tiếp sức và có thể tạo được niềm tin cho khách hàng đến du lịch Thành phố Hồ chí Minh.
Ghi nhận thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thị trường du lịch đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình kinh doanh, giữa loại hình kinh doanh truyền thống và loại hình đặt phòng qua trang bán phòng online (Booking, Agoda, Traveloka...)
Trong khi đó, nhóm đối tượng kinh doanh truyền thống hạn chế về công nghệ quảng bá, tiếp thị, trải nghiệm cho khách hàng... nên doanh số bán phòng và mức độ thu hút khách lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, phần lớn khách sạn vừa và nhỏ trên địa bàn chưa đáp ứng tiêu chí về kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối năm 2022, số lượng khách sạn từ 1-5 sao giảm hơn 10% so với năm 2021, tập trung ở đối tượng khách sạn từ 1-3 sao.
Đối với nhóm khách sạn chưa được xếp hạng, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với địa phương tổ chức rà soát làm cơ sở số liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ được giao về việc xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tăng độ dài lưu trú và kích thích chi tiêu của du khách..., ngành du lịch cần tìm ra giải pháp cụ thể phát triển hiệu quả lĩnh vực khách sạn trong năm 2023 và những năm tiếp theo phù hợp với định hướng, chủ trương của chính quyền thành phố.
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận 1 chia sẻ quận đang phối hợp liên ngành xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển kinh tế dịch vụ cho quận 1; xây dựng các phương án về việc tái tổ chức hoạt động chợ Bến Thành; tổ chức các hoạt động thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Lê Lợi...
Bên cạnh đó, chính quyền quận 1 cũng đang tiếp tục nghiên cứu và dự kiến triển khai những sản phẩm du lịch về đêm mang tính đặc thù, truyền thống của địa phương như: Giải chạy đêm quận 1 - Distrist 1 run midnight; lễ hội tại các đền, đình; hoạt động góc phố ngày Tết... hướng đến gia tăng sự trải nghiệm và thu hút du khách đến lưu trú tại quận 1 nói riêng, Thành phố Hồ Chí Minh nói chung./.
Mỹ Phương
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tphcm-go-kho-cho-doanh-nghiep-kinh-doanh-luu-tru-du-lich-vua-va-nho-a8761.html