Thiết lập chương trình phòng ngừa ma túy, tạo ra những lớp lang bảo vệ trẻ em trước những cám dỗ của chất gây nghiện, Tiến sĩ Lê Trung Tuấn-Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho rằng, Việt Nam cần chương trình hành động mang tầm quốc gia để ma túy không len lỏi vào đời sống xã hội, nhất là tấn công vào giới trẻ hiện nay.
Trải qua 6 năm “sống dở, chết dở” vì nghiện ngập, từng tìm tới cái chết, 23 năm qua, Tiến sĩ Lê Trung Tuấn đã dành toàn bộ tâm sức để nghiên cứu các phương pháp phòng, chống ma túy, điều trị tâm lý cho người nghiện, giúp cho nhiều người làm lại cuộc đời. Ông bảo: “Tôi phát nguyện đi tới cùng con đường phòng, chống ma túy vì không muốn nhìn đời các em sinh viên bị vỡ nát”.
Xây dựng phòng tuyến bảo vệ trẻ em trước “cơn bão” ma túy
Phóng viên: Ma túy tấn công học đường đang tạo ra nhiều hệ lụy cho thế hệ trẻ. Chúng ta đã thấy những đứa con ngáo đá, loạn thần chém chính bố mẹ mình, những em ngồi trên ghế nhà trường trở nên tàn phế, sa sút trí tuệ sau những giờ phê pha với ma túy. Vấn đề này đã thật sự đáng báo động?
Tiến sĩ Lê Trung Tuấn: Ma túy tấn công học đường là hiểm họa của cả dân tộc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa bộc lộ. Qua quá trình thực hiện nghiên cứu phòng ngừa ma túy học đường, chúng tôi thấy tỷ lệ các em học sinh, sinh viên sử dụng ma túy đang tiềm ẩn nguy cơ cao. Không ít các em đang lạm dụng và trở thành nghiện ma túy.
Chỉ vài chục năm gần đây, hàng trăm loại ma túy mới xuất hiện ồ ạt với độc tính mạnh hơn, khả năng phá hủy hệ thần kinh và não bộ khủng khiếp hơn, khó điều trị phục hồi.
Có nhiều loại ma túy mới như ma túy đá, cỏ mỹ… khác ma túy truyền thống không gây phản ứng hội chứng cai với cơ thể nên người sử dụng ma túy tổng hợp không phát hiện triệu chứng khi cắt cơn nghiện của ma túy tổng hợp, nên họ chủ quan, không nghĩ mình nghiện. Có không ít trường hợp tự tin nói: “Tôi ngừng sử dụng thuốc có sao đâu”.
Nhưng một số nghiên cứu của nhà khoa học thế giới, các loại chất trong ma túy tổng hợp mới có những loại có số lượng cường độ còn mạnh hơn gấp 200-300 lần so với ma túy bán tổng hợp như nhóm heroin, khi vào cơ thể não bộ sẽ phá hủy chất dẫn truyền, phá hủy các nơron thần kinh não bộ. Do đó, chúng ta gặp không ít trường hợp gặp tổn thương nghiêm trọng về não bộ gây ra các hành động hoang tưởng, ngáo đá, thần kinh, trở nên manh động, bạo lực. Những trường hợp đã bị tổn thương não bộ rất khó phục hồi.
Có thời điểm trong hệ thống trại giam, gần 3/4 trại viên là tội phạm liên quan đến ma túy. Ma túy đưa hàng chục vạn người trẻ tuổi vào con đường nghiện ngập, gieo rắc bệnh tật, lôi kéo thế hệ trẻ vào con đường tệ nạn, làm suy yếu nguồn lực đất nước.
Phóng viên: Liệu có phải thế hệ trẻ hiện nay thiếu sự quan tâm của gia đình, thầy cô nên dễ sa ngã hay do bản thân cái tôi của trẻ quá lớn, thích thể hiện nên có nhiều em nhanh chóng lầm đường, lạc lối vào con đường sử dụng, nghiện ma túy?
Tiến sĩ Lê Trung Tuấn: Chất ma túy hiện nay đang lan truyền trong giới trẻ. Cộng đồng xã hội khó phát hiện vì thiếu chế tài để kiểm soát. Thầy cô, bố mẹ và các em chưa được trang bị kỹ năng phòng ngừa, chưa có phòng tuyến lớp 1-2-3-4 bảo vệ các em trước “cơn bão” ma túy.
Thực tế, sự phát triển của xã hội quá nhanh, lớp trẻ chưa được trang bị bài bản đủ sâu. Hệ thống phòng vệ trong chính cá thể của các em chưa được thiết lập.
Phòng tuyến lớp ngoài như thầy cô, cha mẹ luôn bận rộn không có thời gian để nghiên cứu sâu hỗ trợ phát hiện sớm các em trong quá trình sử dụng ma túy.
Những điều này không đến từ một ai mà từ vấn đề xã hội, từ vấn đề quản lý chính sách, tầm vĩ mô. Luật năm nào cũng thay đổi nhưng tốc độ ra đời ma túy mới liên tục nên đôi lúc chưa có chế tài thực hiện kịp thời.
Việc kiểm soát thông tin truyền thông hiện nay cũng cần phải quan tâm. Lớp trẻ có thể tiếp cận ma túy dưới nhiều hình thức từ mua bán trên mạng, ra hàng cà-phê, quán karaoke đều dễ dàng mua được.
Và phải nói thật, ở lứa tuổi tâm lý hiếu động, các em nếu không tìm ma túy sẽ tìm gì đó để thể hiện bản thân. Bởi vậy, chúng ta cần phải đào tạo, trang bị cho con em mình hiểu về tác động của ma túy sẽ có hại gấp 10 lần so với những thứ các em yêu thích khác, từ đó các em sẽ có lựa chọn cách thể hiện bản thân phù hợp.
Từ góc độ quản lý nhà nước, tôi cho rằng, cần phải trang bị nhận thức từ các cha mẹ, thầy cô, xã hội… vì mọi người luôn cho rằng ma túy xa vời và không đụng vào con em, gia đình mình. Nhưng khi “đụng” vào rồi, những thứ chúng ta xây dựng để bảo vệ một cá thể vô cùng vất vả. Hành trình trở về của những thanh niên sử dụng ma túy rất xa.
Cần đưa chương trình phòng ngừa ma túy vào học đường
Phóng viên: Trong suốt hơn 1 thập kỷ nghiên cứu về mô hình phòng ngừa từ các nước, ông thấy chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn sớm tình trạng ma túy tấn công giới trẻ?
Tiến sĩ Lê Trung Tuấn: Viện PSD chúng tôi đã nghiên cứu mô hình phòng ngừa từ Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản nên thấy, tỷ lệ người nghiện ma túy ở một số nước trong đó có Nhật Bản rất ít.
Kinh nghiệm của họ là có lớp lang bảo vệ bài bản, có tài liệu nâng cao nhận thức chuyên môn cho các cha mẹ, cho thầy cô, cho cả cộng đồng xã hội. Khi đó sẽ tạo ra hàng rào phòng vệ vững chắc có nhiều lớp, có nhiều sự đoàn kết, việc bảo vệ thế hệ trẻ thuận lợi hơn rất nhiều.
Nhật Bản đưa chương trình phòng ngừa ma túy vào học đường và học bài bản như một môn học. Đây là điều họ thành công. Ngoài ra, nhà trường cũng có buổi tập huấn cho cha mẹ để phát hiện ngăn chặn nguy cơ trẻ tiếp cận ma túy ngay từ đầu rất thành công.
13 năm qua chúng tôi nghiên cứu kỹ chương trình phòng ngừa ma túy của các quốc gia tiên tiến, nghiên cứu cả thành công, thất bại. Từ đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ, cơ quan ban ngành xây dựng chương trình phòng ngừa tổng thể.
23 triệu học sinh là tài sản vô giá của đất nước, cần nỗ lực bảo vệ để ma túy không thể can thiệp vào hay hủy hoại vào đời sống các em.
Tôi nghĩ nếu chúng ta làm được, chỉ gần 1 thập niên sẽ tạo một lớp phòng vệ chắc chắn để ma túy và các sản phẩm độc hại không đủ khả năng xâm nhập vào các em. Khi đã được đào tạo bài bản, nếu nhận thức đúng, đủ thì các em sẽ có hành trang bảo vệ mình.
Phóng viên: Hành trình “làm lại” cuộc đời của ông đã lan tỏa cảm hứng tích cực cho giới trẻ hiện nay không may bước vào con đường nghiện ma túy. Ông thấy những điều mình đã và đang làm được là gì?
Tiến sĩ Lê Trung Tuấn: Xã hội đang thờ ơ với chính mối nguy hiểm cận kề. Tôi đã có 6 năm trả giá rất đắt, từng lao vào con đường nghiện ngập khi đang ngồi trên ghế nhà trường, đã từng chọn cái chết giải thoát.
Sau 23 năm được sống lại, tôi phát nguyện đi tới cùng con đường phòng chống ma túy. Tôi không muốn nhìn sự đau khổ của bố mẹ, của đời các em sinh viên bị vỡ nát. Tôi muốn đóng góp hết sức mình vào công cuộc phòng, chống ma túy để làm sao quốc gia hùng tráng, cường mạnh hơn.
Viện nghiên cứu chúng tôi cũng từng ám ảnh với trường hợp một cô bé chỉ học lớp 7, sử dụng tới 5 loại ma túy từ cần, ke, lắc, đá, bóng cười. Khi đến với chúng tôi, trẻ đã có trạng thái chuyển đổi hành vi ở mức độ tận cùng không nhận thức những thứ diễn ra chung quanh. Tập thể chúng tôi đã phải dành nhiều tháng nỗ lực hỗ trợ cháu bé và gia đình để cháu có thể trở về cuộc sống bình thường.
Từ sự ám ảnh đó, tôi luôn liên tưởng rằng, liệu rằng sau này nếu ma túy đụng vào con tôi thì tôi hành xử thế nào. Vì thế, động lực làm tôi và PSD nỗ lực thực hiện chương trình, xây dựng hệ thống tài liệu để cung cấp giúp xã hội có nhiều kiến thức hơn nữa.
Trước đây, các chương trình phòng ngừa dù có cố gắng nhưng chưa được hoàn chỉnh. Thế hệ đi sau như chúng ta phải có trách nhiệm hoàn chỉnh, bù đắp những gì lịch sử cha ông làm chưa xong. Tôi mong muốn mình sẽ nối tiếp thực hiện điều đó.
Không ngăn chặn ma túy, 5 năm nữa chúng ta phải trả giá
Phóng viên: Việt Nam sẽ cần xây dựng các lớp phòng vệ như thế nào để bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công trá hình của ma túy?
Tiến sĩ Lê Trung Tuấn: Hiện nay, PSD đồng hành cùng với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ tài liệu có tính chất tổng thể cho 4 nhóm đối tượng cần tuyên truyền từ học sinh, sinh viên, giáo viên-cán bộ quản lý, cha mẹ.
Mỗi độ tuổi có kỹ năng, tư duy, hiểu biết khác nhau. Vì thế, bộ tài liệu được xây dựng và cung cấp kiến thức cho từng đối tượng một cách thích hợp từ em học sinh cơ sở đến trung học phổ thông. Với cán bộ quản lý, bộ tài liệu giúp các thầy cô phát hiện sớm học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy, hay sử dụng loại ma túy nào và tần suất cũng như thời gian từng sử dụng. Việc phát hiện sớm bài bản sẽ giúp đỡ từng con.
Với cha mẹ, chúng tôi hướng dẫn cách phát hiện dấu hiệu lạ từ chai nước, ống hút, tờ giấy xé đi để tiên đoán liệu trình dấu hiệu con mình sử dụng ma túy gì, cường độ bao lâu. Phát hiện sớm ngăn chặn con em mình lấn sâu vào ma túy.
Mỗi năm bỏ ra vài chục giờ đào tạo, thực hiện bài bản thì cái được lớn nhất chính là cứu được cả thế hệ. Nếu cộng đồng xã hội cùng vào cuộc chung tay thì chúng ta sẽ thành công trong phòng ngừa ma túy. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành bộ tài liệu này chính thống và có kế hoạch 5 năm tới để ngăn ngừa ma túy học đường.
Nếu thực hiện tổng thể, sẽ không đến 1 thập niên, chỉ 3-5 năm chúng ta có thể xây dựng kiến thức khổng lồ trong xã hội. Khi cung cấp kiến thức lặp lại ở cường độ cao thì tự xã hội xây dựng cơ chế phòng vệ riêng, được “tiêm vaccine” phòng vệ.
Bộ tài liệu Viện PSD xây dựng là chương trình đầu tiên bài bản do Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện ở quy mô lớn. Chủ trương có nhưng chế tài, điều kiện hỗ trợ cho nó thành công thì còn đang khó khăn. Giai đoạn tiếp theo, tôi nghĩ chương trình này cần sự quan tâm hơn nữa.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa liệu pháp điều trị tâm lý cho người nghiện ma túy. Trong hơn 10 năm qua, có khoảng 60% người đến với chúng tôi sau hành trình trị liệu 3 tháng không tái sử dụng lại ma túy.
Tuy nhiên, phương pháp này có khó khăn không thể sử dụng đại trà do việc đào tạo chuyên gia trị liệu tâm lý khó khăn. PSD cũng muốn lan rộng phương pháp nhưng không ai thích làm việc với người nghiện ma túy. Chúng tôi vẫn đang chịu sự kỳ thị của xã hội.
Phóng viên: Chúng ta cần làm gì trong tình thế này, để thật sự có chương trình hành động cụ thể bảo vệ trẻ em trước cơn bão ma túy?
Tiến sĩ Lê Trung Tuấn: Mọi sự thành công trong phòng chống ma túy của quốc gia là Chính phủ phải quyết liệt thiết lập chương trình phòng ngừa với 3 cấp độ phòng ngừa: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Công an có làm hết sức, có bắt hàng trăm vụ, nhưng “cầu” không giảm thì việc giảm “cung” 10 lần cũng không triệt để. Chúng ta phải đánh vào “yết hầu” của giảm cầu. Muốn thế phải nâng cao đời sống tinh thần cùng kỹ năng phòng vệ ma túy trong đời sống xã hội. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn lao động, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải quyết liệt hơn để thực hiện.
Chương trình phòng vệ có lớp lang bài bản cần có sự góp ý của các nhà chuyên môn, khoa học. Nếu không, chúng ta sẽ gặp phải sai lầm lãng phí tiền bạc nhưng hiệu quả mang lại cho đời sống xã hội không cao.
Nếu được xây dựng bài bản từ cách thức thực hiện, đánh giá các chỉ số tác động thì tôi nghĩ chương trình phòng vệ mất thời gian ngắn nhưng tỷ lệ thành công cao trong đời sống xã hội.
Các chất ma túy mới liên tục ra đời, trong khi hệ thống pháp luật chưa thể theo kịp để kiểm soát. Chúng ta phải nâng cao “sức đề kháng” của xã hội. Nếu chúng ta không nỗ lực vào cuộc, 5 năm nữa chúng ta sẽ phải chứng kiến sự trả giá với lớp trẻ bởi chính sự thờ ơ của chúng ta.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Trung Tuấn!
NHÓM PHÓNG VIÊN
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tien-si-le-trung-tuan-can-tiem-vaccine-phong-ma-tuy-cho-lop-tre-a9177.html