Cải cách quy định, khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững được xác định là động lực chính cho tăng trưởng của nhiều ngành tại Việt Nam, trong đó có du lịch và lữ hành.
Nhận định về lĩnh vực du lịch và lữ hành trong BCI quý 1/2023, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết: “Những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng. Chúng tôi rất mong đợi có thêm thông tin về những thay đổi được đề xuất này”.
Ngày 24/3, cuộc họp của Thường trực Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) đối với 3 nội dung: (i) Nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; (ii) Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; (iii) Nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Trong Sách Trắng năm 2023 với chủ đề “Hướng tới Kinh tế xanh và Phát triển bền vững” công bố hôm 16/2, EuroCham đã đề xuất nhiều khuyến nghị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch và lữ hành Việt Nam.
Tổng cục Thống kê ngày 29/3 công bố báo cáo cho thấy, hết quý 1/2023, Việt Nam đã đón gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, chiếm hơn 2/3 mục tiêu khách quốc tế năm 2023.
Trong quý 1, doanh thu du lịch lữ hành quý 1/2023 ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.