Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp

Nhà máy điện than rộng bằng đất nước Monaco từng là biểu tượng của sự đổi mới và an ninh năng lượng của nước Anh. Ngày nay, chúng đại diện cho kỷ nguyên than sắp bị phá bỏ.

Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp- Ảnh 1.

Một sự kiện mang tính bước ngoặt đã diễn ra, đánh dấu nỗ lực làm chậm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu của nhân loại.

Ngày 30/9, nhà máy điện chạy bằng than cuối cùng của nước Anh đã đóng cửa.

Kỷ nguyên điện than đã chấm dứt tại chính cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp 200 năm về trước.

Chỉ trong vài giờ, các lò hơi cao bằng toà nhà 12 tầng tại nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar trở nên nguội lạnh. Những quả cầu than rực lửa để tạo ra hơi nước đã tắt. Bốn tuabin 500 megawatt (MW) ngừng quay. Và dấu vết còn lại của một ngọn núi than cao ngất ngưởng cung cấp năng lượng cho nhà máy này trong 57 năm qua sẽ hoá thành tro bụi.

Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp- Ảnh 2.

Kỹ sư Chris Bennett và hình ảnh bên trong một lò hơi (bên trái). Ảnh: WP

Kỹ sư điện 64 tuổi Chris Bennett đã dành cả cuộc đời của mình tại nhà máy điện than. Ông chia sẻ: “Thành thật mà nói, tôi sẽ rất buồn khi chứng kiến nhà máy đóng cửa. Chính nơi đây làm nên cuộc cách mạng công nghiệp, khi than thống trị mọi thứ”.

Song, ông cũng nhanh chóng bổ sung: “Nhưng tôi mừng cho môi trường”.

Nhà máy này sẽ ngừng hoạt động trong hai năm và sau đó sẽ bị phá huỷ.

Khu đất bị bỏ lại sẽ được dùng cho mục đích khác, có thể là “trung tâm năng lượng và công nghệ không phát thải carbon”. Các kế hoạch hiện vẫn đang được cân nhắc.

Nhà máy điện than Ratcliffe thuộc sở hữu của Uniper. Đây là một trong những công ty năng lượng đa quốc gia lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Đức. Công ty sẽ tiếp tục vận hành 5 nhà máy điện tại Vương quốc Anh chạy bằng khí đốt tự nhiên.

Đối với các thế hệ trước, việc nước Anh từ bỏ điện than là điều không tưởng. Vì Anh là quốc gia vận hành mọi thứ từ than. Một triệu thợ mỏ khai thác than để tạo ra năng lượng giá rẻ, tạo ra nhiệt, sau đó là hơi nước rồi đến điện. Than sưởi ấm các ngôi nhà, vận hành tàu hỏa, sản xuất thép và xi măng.

Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp- Ảnh 3.

Những gì còn lại của bãi chứa than tại nhà máy. Khu vực này sẽ ngừng hoạt động trong hai năm tới. Ảnh: WP

Nhà máy điện chạy bằng than đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Anh vào năm 1882. Thuật ngữ "khói bụi" cũng từ đây mà xuất hiện.

Hiện tại, nước Anh là quốc gia đầu tiên trong nhóm các nước giàu có trên thế giới từ bỏ than. Thay vào đó, họ sử dụng khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và sự kết hợp của các nguồn năng lượng tái tạo.

Sau Anh, các quốc gia G7 cũng có dự định tương tự lần lượt là Italy (năm 2025), Canada (năm 2030) và Đức (năm 2038). Ba phần tư trong số 38 quốc gia OECD cũng dự kiến sẽ loại bỏ năng lượng than vào năm 2030.

Mỹ cũng dần dần từ bỏ than, dù chậm hơn so với mong muốn của những người ủng hộ khí hậu. 25 năm trước, than tạo ra hơn 50% lượng điện ở Mỹ. Hiện tại, than chiếm khoảng 18%.

Không chỉ nhà máy điện than tắt lửa, Vương quốc Anh cũng hầu như không khai thác than. Kế hoạch mở mỏ than sâu đầu tiên sau hơn 30 năm để sản xuất thép đã bị toà án tối cao bác bỏ trong tháng 9.

Tất cả than cung cấp năng lượng cho nhà máy Ratcliffe kể từ năm 2014 đều đến từ Mỹ và Nga. Kể từ khi xung đột xảy ra tại Ukraine vào năm 2022, nguồn cung từ Nga đã được thay thế bằng than từ Nam Phi và Australia.

Trên toàn thế giới, than vẫn chưa biến mất. Các nhà sản xuất hàng đầu bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Nhưng sự chuyển mình của nước Anh cho thấy mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng.

Nếu đi đến nhà máy Ratcliffe bằng tàu chở khách xuất phát từ London, từ nhà ga, người ta có thể dễ dàng thấy 8 toà tháp hơi nước cao vút. Chúng từng là biểu tượng của sự đổi mới và an ninh năng lượng của nước Anh. Ngày nay, chúng đại diện cho kỷ nguyên than sắp bị phá bỏ.

Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp- Ảnh 4.

Ảnh: WP

Nhà máy rộng lớn này có diện tích bằng đất nước Monaco.

Peter O’Grady là giám đốc nhà máy. Ông được giao nhiệm vụ chấm dứt kỷ nguyên này. Giống như nhiều công nhân khác tại Ratcliffe được phóng viên tờ Washington Post phỏng vấn trong ngày cuối cùng, ông cảm thấy tự hào và chấp nhận thực tế.

“Đây sẽ là hồi kết. Đây là hành trình cá nhân của tôi, cũng như hành trình của cả đất nước”, ông O’Grady nói.

Khi nhà máy phát điện Ratcliffe và hàng chục nhà máy khác được xây dựng vào thập niên 1960, chúng là kỳ quan của thời đại. Đây là công trình tiên phong của lưới điện quốc gia được thiết kế để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Anh.

Ông O’Grady kể lại rằng những người xây dựng nhà máy này đã dùng thước tay chứ không có máy móc tính toán. Các bức ảnh chụp phòng điều khiển từ những năm 1970 không có lấy một chiếc hình máy tính nào trên bàn.

Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp- Ảnh 5.

Giám đốc nhà máy Peter O’Grady. Ảnh: WP

Hoạt động xây dựng Ratcliffe bắt đầu vào năm 1963 và hoàn thành trong bốn năm. Ngày nay, ít có công trình lớn nào được xây dựng nhanh như vậy.

Nhà máy có khả năng sản xuất 2.000 MW điện theo yêu cầu. Các máy phát điện hoạt động 24/7 trong nhiều năm. Gần đây, họ đã cung cấp lượng điện cần thiết khi các máy điện gió và mặt trời của Anh ngừng hoạt động.

Khi được yêu cầu tính toán lượng carbon dioxide (CO2) mà nhà máy đã thải ra trong quá khứ, O’Grady đã từ chối trả lời, dù ông thừa nhận rằng có rất nhiều ước tính đã được thực hiện.

Các nhóm bảo vệ môi trường công bố Ratcliffe đã thải ra 8 đến 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải từ 2 triệu chiếc ô tô. Trang web Carbon Brief có trụ sở tại Anh đưa tin rằng một nhà máy công suất 2 GW như Ratcliffe có thể thải ra 15 triệu tấn khí CO2 mỗi năm khi hoạt động hết công suất.

Dạo quanh nhà máy, các phóng viên được kỹ sư Bennett chia sẻ rằng nơi ông ở chỉ có 3 lựa chọn nghề nghiệp: làm việc trong mỏ than, làm việc trên đường sắt và làm trong nhà máy điện. Ông đã rất vui vì lựa chọn nhà máy điện.

Ông cho biết thêm rằng chẳng ai nói về khí nhà kính khi bắt đầu làm việc tại nhà máy này trước đây. Mối lo khi ấy chỉ là ô nhiễm lưu huỳnh và oxit nitơ tạo ra mưa axit.

Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp- Ảnh 6.

Ông Chris Bellaby, 34 tuổi, đã làm việc tại Ratcliffe được 11 năm. Ảnh: WP

Một trong những đồng nghiệp của ông Bennett là Chris Bellaby, 34 tuổi, đã làm việc tại Ratcliffe được 11 năm. “Tất cả chúng tôi đều biết việc đóng cửa phải xảy ra. Nhưng đối với nhiều người, kể cả tôi, điều đó vẫn khiến họ xúc động”, ông nói.

Bellaby cho biết mọi người ở nhà máy đều hiểu về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của khí CO2. Nhưng ông vẫn nghi ngờ về khả năng cung cấp năng lượng của gió và mặt trời. Ông tự hỏi liệu chúng có lấp đầy sự thiếu hụt của nhiên liệu hoá thạch mỗi khi trời lặng gió hoặc âm u hay không.

Ông O'Grady dẫn phóng viên đi vào bên trong các lò hơi. Đây là nơi hiếm ai có thể vào, ngoại trừ công nhân sửa chữa vài năm một lần. Mỗi lò hơi đốt 200 tấn than mỗi giờ, tạo ra đủ năng lượng nhiệt để đun sôi nước trong một bể bơi Olympic trong 11 phút.

Nhà máy đã chuyển từ "một phần được cộng đồng trân trọng", một tài sản quan trọng cung cấp điện cho gia đình và bệnh viện, thành thứ bị coi là có hại.

Ông O'Grady nói: "Rõ ràng là khi carbon trở thành thứ cần hạn chế, chúng tôi đã trở thành mục tiêu".

Vào những ngày đầu nhà máy xuất hiện, trong suốt những năm 1970 và sau đó, chỉ có một hàng rào trắng đơn giản để đánh dấu khu vực nhà máy. Dần dần, hàng rào trở nên cao hơn, sau đó là hàng rào điện lắp CCTV.

"Chúng tôi đã giúp mọi người sạc iPhone và ô tô điện của họ. Chúng tôi đã làm trọn phần việc của mình ", O'Grady nói.

Chính phủ Anh đã khen ngợi quyết định đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng là một cột mốc trong nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Bộ trưởng Năng lượng Michael Shanks cho biết việc đóng cửa nhà máy "đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và những người làm việc trong ngành than có thể tự hào về công việc cung cấp năng lượng cho đất nước chúng ta trong hơn 140 năm qua. Chúng ta nợ các thế hệ trước một lời cảm ơn".

Theo Washington Post

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/quoc-gia-g7-dau-tien-chinh-thuc-khai-tu-dien-than-cham-dut-ky-nguyen-cua-thu-nhien-lieu-ban-nhat-hanh-tinh-ngay-chinh-cai-noi-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-a94193.html