Đường vành đai phía tây là công trình trọng điểm của Cần Thơ nối 2 quốc lộ 91 và 61C, đi qua năm quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng; mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Toàn tuyến dài 19,3km với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn sáu tháng khởi công, đến nay, tuyến đường này vẫn chưa triển khai thi công.
Hiện các nhà thầu đang tập trung lập thủ tục đầu vào như trình nhân sự, Ban chỉ huy công trường, nguồn vật liệu đầu vào, phòng thí nghiệm vật liệu. Một số đơn vị thi công đã tập kết phương tiện, bắt đầu phát hoang, đào đắp ta-luy đường cho dù chưa có mặt bằng thi công ở những vị trí ưu tiên.
Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ (chủ đầu tư dự án) cho biết: Có khoảng 1.380 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, nhưng đến nay các địa phương chỉ phê duyệt 416 trong tổng số 1.221 trường hợp kiểm đếm (khoảng 34%), còn lại số lượng lớn các hộ dân chưa xét hồ sơ pháp lý. Các hộ dân được phê duyệt và chi trả bồi thường nằm rải rác trên tuyến cho nên chưa thể thi công đồng bộ các gói thầu 16, 17, 19 và 20 đã đấu thầu.
Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm do các khu tái định cư ở quận, huyện mà tuyến đường đi qua đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền, nên chưa đủ điều kiện bàn giao làm ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo tính toán sơ bộ của các địa phương áp dụng theo giá đất năm 2022, kinh phí cho toàn bộ dự án dự kiến sẽ tăng. Với kinh phí được duyệt ban đầu chỉ giải quyết cho khoảng 40% số hộ, số còn lại phải chờ điều chỉnh chủ trương mới tiếp tục triển khai.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Tiến Dũng cho biết, trong năm 2023, số vốn bố trí cho giải phóng mặt bằng dự án này là 225 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu của dự án. Do chưa điều chỉnh được tổng mức đầu tư, các dự án mới chỉ tập trung giải phóng mặt bằng cho các gói thầu đã triển khai.
Sở Giao thông vận tải đề nghị các quận, huyện liên quan dự án ưu tiên đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho các vị trí để tập trung thi công các gói 16, 17, 19 và 20. Ngoài ra, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông) chậm vì chưa có hướng dẫn cụ thể cũng khiến các bên rất lúng túng trong thực hiện.
Tương tự, Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 917 có quyết định đầu tư vào năm 2021 đi qua địa bàn các quận Ô Môn, Bình Thủy và huyện Phong Điền. Đoạn đường có chiều dài gần 12km, với tổng mức đầu tư 996 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2024. Dự án có 582 hộ dân có nhà, đất, vật kiến trúc bị ảnh hưởng với giá trị bồi thường hơn 501,5 tỷ đồng.
Năm 2022, dự án được bố trí vốn thực hiện 200 tỷ đồng và đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn; năm nay có kế hoạch bố trí vốn 70 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 51 tỷ đồng, đạt 72,5%. Qua đó bàn giao mặt bằng với tổng chiều dài khoảng 1,8km, đạt 12% (tương đương 80/582 trường hợp). Dự án này chậm do thiếu vốn bồi thường, chậm bố trí tái định cư cho nên chưa thể khởi công trong khi sẽ kết thúc vào năm 2024.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ (chủ đầu tư) đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm gần 300 tỷ đồng do chi phí bồi thường, xây lắp tăng.
Nhiều năm qua, tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tại năm nút giao lớn ở khu vực nội đô thành phố thuộc quận Ninh Kiều, gây bức xúc cho người tham gia giao thông, gồm: nút giao đường Mậu Thân-3/2-Trần Hưng Ðạo; nút giao Mậu Thân-Nguyễn Văn Cừ-Võ Văn Kiệt; nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Văn Cừ; nút giao Nguyễn Văn Linh-3/2 và nút giao Nguyễn Văn Linh-30/4.
Ðể giải quyết tình trạng nêu trên, cuối năm 2021, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã thông qua chủ trương đầu tư cải tạo, mở rộng năm nút giao trọng điểm này, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 1.196 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 985,5 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 163 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã thông qua chủ trương đầu tư cải tạo, mở rộng năm nút giao trọng điểm này, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 1.196 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 985,5 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 163 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa triển khai thực hiện do khâu chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế không sát thực tiễn dẫn đến phát sinh chi phí bồi thường, tái định cư tăng lên so với phương án được phê duyệt; phải điều chỉnh trình các ngành chức năng xem xét phê duyệt lại cho nên mất nhiều thời gian, công sức.
Các dự án giao thông khác như: nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 918, 921, 923, đường vành đai sân bay Cần Thơ... đều chậm tiến độ so với kế hoạch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, một trong những nguyên nhân công trình kéo dài trong thời gian qua vẫn là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (giải phóng mặt bằng) gặp khó khăn, chủ yếu là người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án đầu tư chưa thật sự đầy đủ, còn chủ quan trong quá trình áp giá bồi hoàn dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng cân đối nguồn vốn mất nhiều thời gian.
Công tác phối hợp, triển khai thủ tục đầu tư, nhất là trong việc điều chỉnh dự án, lập và trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công-dự toán của các chủ đầu tư còn chậm...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, Lê Thanh Tâm cho biết: Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, thành phố ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch dự án được phê duyệt.
Tuy nhiên, phần lớn công trình thực hiện chậm, dẫn đến đội vốn phải điều chỉnh, càng gây khó khăn hơn trong quá trình thực hiện.
Sở đã đình, hoãn, giãn một số dự án chậm thực hiện, điều chuyển vốn sang dự án có khả năng thực hiện tốt để bảo đảm hiệu quả công tác đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để giải quyết nhanh các thủ tục của dự án; không đùn đẩy công việc, tập trung thực hiện, giải quyết hồ sơ, phối hợp giải quyết nhanh kiến nghị của các chủ đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành...
Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Lê Quang Mạnh, Trưởng ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm thành phố cho biết: Thành ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ làm tổ trưởng phụ trách theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc các công trình trọng điểm. Đối với công trình giao thông quan trọng, yêu cầu chủ đầu tư phân công nhiệm vụ và trách nhiệm rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện và theo dõi, cập nhật tiến độ công trình hằng tuần, hằng tháng; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời thay thế kịp thời những cán bộ, chủ đầu tư yếu kém về năng lực, tiêu cực làm chậm trễ tiến độ dự án.
BÀI VÀ ẢNH: THANH TÂM
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/day-nhanh-tien-do-cac-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-a9447.html