Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì soạn thảo. Dự luật đã có những quy định khá toàn diện và chi tiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Nhà giáo là việc Bộ GD&ĐT đề xuất quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có một số hành vi liên quan đến nhà giáo.
Thông tin trên Vietnamnet, có 6 nhóm hành vi được Bộ GD&ĐT đề xuất nghiêm cấm. Trong số này, Bộ GD&ĐT đang đề xuất việc nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
Theo bản tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cho hay, có nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục… tham gia góp ý cho các quy định của dự thảo.
Tại phiên làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định an toàn về mặt thông tin của nhà giáo cũng cần được đề cập. Ví dụ như không công khai thông tin về việc không làm nghề giáo để tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm nghề khác.
Bộ LĐTB&XH đề nghị xem xét, bổ sung quy định chi tiết về các hình thức xử lý vi phạm và cơ chế bảo vệ nhà giáo trước các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm và danh dự.
Theo dự thảo Luật Nhà giáo đang lấy ý kiến, các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi sau:
a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân;
b) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
c) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học;
d) Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
đ) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật;
e) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng giấy phép hành nghề dạy học dưới mọi hình thức;
g) Tự ý bỏ việc, tham gia đình công trái pháp luật;
h) Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi sau:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo;
b) Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;
c) Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng dạy học;
d) Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức;
đ) Trả lương không đúng theo hợp đồng; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
e) Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.
Như vậy, Dự thảo Luật Nhà giáo đề cập đến các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức và cá nhân trong quan hệ với nhà giáo. Có 06 hành vi bị nghiêm cấm từ việc xúc phạm danh dự và nhân phẩm của nhà giáo đến việc phân biệt đối xử giữa họ. Quy định này cũng thể hiện cam kết của pháp luật trong việc đảm bảo nhà giáo, tạo môi trường làm việc tích cực và công bằng cho nhà giáo.
Theo Lao Động, góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để nâng cao vị thế của nhà giáo, cần quy định chặt chẽ hơn về những hành vi nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân đối với nhà giáo.
Theo đó, không chỉ nghiêm cấm hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo”, mà còn là tất cả những hình thức gây áp lực thao túng tâm lý khác; ví dụ như không phối hợp, không hợp tác hoặc tạo môi trường mang tính thù địch, sợ hãi…
Ngoài ra, ngay cả khi đã có kết luận của vụ việc cũng cần thông tin một cách cân nhắc, không làm lộ mặt hoặc công khai chính xác danh tính để cá nhân đó có thể không còn đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà giáo thì vẫn có cơ hội đi làm nghề khác.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/de-xuat-cam-cong-khai-thong-tin-sai-pham-cua-nha-giao-khi-chua-co-ket-luan-chinh-thuc-a95366.html