Doanh nghiệp Việt kiếm bộn tiền từ chuyển đổi số

Được coi là hạt nhân trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, các tập đoàn công nghệ Việt Nam đã và đang thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, trong đó, 2 cái tên nổi bật là Tập đoàn FPT và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Với việc tiếp cận với khái niệm chuyển đổi số từ năm 2016, đến hiện tại, FPT đã liên tục đón đầu và đưa về Việt Nam các xu hướng công nghệ mới nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi số toàn diện Chính phủ số - xã hội số - kinh tế số. Và kết quả của quá trình này đã thể hiện trên kết quả kinh doanh của tập đoàn trong thời gian qua.

Ngay từ năm đầu tiên áp dụng chuyển đổi số cho chính tập đoàn và cung cấp ra thị trường là 2016, FPT đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế kỷ lục, đạt lần lượt 39.531 tỷ đồng và 2.576 tỷ đồng. Năm 2017, FPT lại thắng lớn khi doanh thu tăng 9% lên 42.658 tỷ đồng, lợi nhuận cũng tăng 27% lên 3.528 tỷ đồng.

Kể từ năm 2018, sau khi thoái vốn khỏi FPT Retail và Synnex FPT đồng thời hợp nhất kết quả kinh doanh của hai công ty này theo phương pháp vốn chủ, thì doanh thu của Tập đoàn FPT giảm 46% xuống 23.213 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 9% xuống 3.234 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Việt kiếm bộn tiền từ chuyển đổi số- Ảnh 1.

FPT tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Product Engineering.

Từ năm 2020 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn liên tục tăng trưởng hai con số. Nổi bật là năm 2023 vừa qua, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.788 tỷ đồng, đều tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và là con số kỷ lục từ khi hoạt động.

Khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 60% doanh thu và 45% lợi nhuận của toàn tập đoàn. Năm 2023 mang ý nghĩa lịch sử với FPT khi doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài chính thức vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 24.288 tỷ đồng, tăng hơn 28%, lợi nhuận trước thuế tăng 27% lên 3.782 tỷ đồng.

Tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi cho chuyển đổi số. Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 đạt 10.425 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics.

Sang 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu 29.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.198 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 21% và gần 20% so với cùng kỳ.

Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài ghi nhận tăng trưởng 30% về doanh thu, đạt 14.573 tỷ đồng.

FPT thắng thầu thêm 6 dự án quy mô trên 5 triệu USD/dự án

Đà tăng này chủ yếu đến từ thị trường Nhật (tăng 35,2%) và APAC (tăng 31,9%), thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại các thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.

Riêng doanh thu chuyển đổi số trong nửa đầu năm 2024 đạt 6.704 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Product Engineering.

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu 3.504 tỷ đồng, tăng 18%, thúc đẩy bởi những nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với khối Chính phủ, bộ ban ngành và thúc đẩy mảng kinh doanh Cloud, Acho các doanh nghiệp trong nước.

Hệ sinh thái sản phẩm Made by FPT doanh thu tiếp tục tăng trưởng 48% lên 942 tỷ đồng nhờ tính ứng dụng cao cho cả khối doanh nghiệp và khối Chính phủ.

Đối với Viettel, năm 2018, tập đoàn tuyên bố về mục tiêu mới "Tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số". Từ đây, tập đoàn chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một dịch vụ số.

Năm 2018, khi tập đoàn định hướng đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, tập đoàn ghi nhận doanh thu khoảng 234.000 tỷ đồng và lợi nhuận 37.600 tỷ đồng. Kết quả này, dù vẫn giữ vững vị thế số 1 trong ngành viễn thông Việt Nam cũng như ghi dấu ấn đậm nét tại nhiều thị trường trên thế giới, nhưng so với năm trước đó, doanh thu của Viettel đã giảm gần 7% và lợi nhuận giảm hơn 15% - xuống thấp nhất kể từ 2014.

Doanh nghiệp Việt kiếm bộn tiền từ chuyển đổi số- Ảnh 2.

Viettel đặt mục tiêu "Tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số".

Trong chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2018-2030, Viettel xác định đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm.

Thời điểm đó, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp viễn thông như Viettel.

Năm 2020 là cột mốc đáng nhớ khi Viettel đặc biệt chú trọng đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số trong nội bộ, chuyển dịch mạnh mẽ và thành công từ nhà cung cấp viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số, bằng việc hình thành 6 lĩnh vực nền tảng số trong xã hội gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.

Kể từ năm 2020 đến nay, tổng doanh thu của Tập đoàn Viettel tăng khoảng 5% và lợi nhuận tăng từ 2-5%. Gần nhất là năm 2023, Viettel ghi nhận tổng doanh thu 172.520 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022 và vượt 2,2% kế hoạch. Trừ đi các chi phí, Viettel ghi nhận lợi nhuận sau thuế 35.267 tỷ đồng tăng gần 1% so với cùng kỳ.

Năm 2023 vừa qua, Viettel đã ứng dụng công nghệ AI, cung cấp các sản phẩm mới như trợ lý ảo pháp luật, trợ lý ảo cho cán bộ công chức, dịch vụ xác thực căn cước công dân gắn chip cho Bộ Công an, nền tảng phân tích dữ liệu ở 14 tỉnh, thành phố.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/doanh-nghiep-viet-kiem-bon-tien-tu-chuyen-doi-so-a95524.html