Nội chiến gia tộc bán thịt trị giá 1,3 tỷ USD: Bất chấp bê bối khiến ít nhất 10 người chết và gần 60 người nhập viện, các 'anh chị em' vẫn kiện cáo nhau vì mối hận thù 50 năm

Thương hiệu bán thịt tồn tại 119 năm đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Mới đây, vụ bê bối bùng phát vi khuẩn Listeria khiến ít nhất 10 người tử vong và 60 người khác nhập viện liên quan đến sản phẩm thịt chế biến của Boar’s Head đang khiến thương hiệu bán thịt nguội có tuổi đời 119 năm này lâm vào khủng hoảng.

Mặc dù đã phải thu hồi 3.500 tấn thịt nguội nhưng những cáo buộc hình sự, khiếu nại dân sự, cuộc điều tra của Bộ tư pháp sẽ khiến Boar’s Head tốn rất nhiều tiền bồi thường, nộp phạt và khoảng thời gian dài cho các vụ kiện lẻ tẻ, dẫn đến nguy cơ phá sản.

Thêm nữa, hình ảnh thương hiệu được xây dựng suốt 119 năm để trở thành tập đoàn bán thịt nguội lớn nhất nước Mỹ đã đổ vỡ chỉ trong thời gian ngắn.

Tồi tệ hơn, sự chú ý của truyền thông đang dần vạch trần những mảng tối nội chiến của 2 gia tộc sáng lập Boar’s Head, bao gồm mối hận thù suốt 50 năm và những chuyện thâm cung bí sử dẫn đến vụ bê bối trên.

Nội chiến gia tộc bán thịt trị giá 1,3 tỷ USD: Bất chấp bê bối khiến ít nhất 10 người chết và gần 60 người nhập viện, các 'anh chị em' vẫn kiện cáo nhau vì mối hận thù 50 năm- Ảnh 1.

Nguy cơ phá sản

Boar’s Head là một công ty gia đình trị nên có rất ít thông tin công khai về thương hiệu này được công bố.

Tuy nhiên sau khi ít nhất 10 người thiệt mạng vì dùng thịt nguội của Boar’s Head, Trung Tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã vào cuộc điều tra. Đi kèm với đó là Bộ Tư pháp Mỹ cũng như các cuộc điều trần trước nghị viện và các cáo buộc hình sự.

Các luật sư cho biết công ty 119 năm tuổi này có thể phải bồi thường hàng trăm triệu USD cho các khiếu nại dân sự cũng như cáo buộc hình sự, có thể đi kèm với các khoản tiền phạt lớn và thậm chí có thể là một số án tù.

"Tốt nhất là họ đã mua bảo hiểm, bằng không công ty sẽ bị đẩy vào tình trạng phá sản", luật sư Bill Marler của hãng luật Marler Clark chuyên giải quyết các đơn khiếu nại thực phẩm, người thay mặt những nạn nhân sống sót sau khi ăn thịt nguội nhiễm khuẩn đệ đơn kiện Boar’s Head, cho biết.

Được thành lập tại Brooklyn và hiện có trụ sở tại Florida, hãng Boar’s Head có doanh thu hàng năm ước tính 1,3 tỷ USD và là nhà cung ứng thịt nguội lớn nhất Mỹ. Tờ Forbes ước tính tổng giá trị của Boar’s Head lên đến 1 tỷ USD nhưng chưa rõ 2 gia tộc sáng lập đã rút bao nhiêu tiền mặt suốt hàng chục năm tích lũy lợi nhuận của đế chế này trong ngành thịt nguội.

Do là công ty gia đình trị với một cấu trúc phức tạp gồm các quỹ tín thác và những quy định hạn chế giao dịch cổ phiếu từ năm 1991 nên thông tin công khai của Boar’s Head rất ít.

Tuy nhiên, hàng loạt cuộc thanh tra của chính phủ sau bê bối thịt nhiễm khuẩn đang khiến Boar's Head lao đao. Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sẽ thanh tra toàn bộ các cơ sở của Boar's Head nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, những người con cháu của 2 gia tộc nhà đồng sáng lập Boar's Head vẫn mải mê kiện tụng lẫn nhau mà chẳng quan tâm liệu đế chế của cha ông để lại có tồn tại được hay không.

Nội chiến gia tộc bán thịt trị giá 1,3 tỷ USD: Bất chấp bê bối khiến ít nhất 10 người chết và gần 60 người nhập viện, các 'anh chị em' vẫn kiện cáo nhau vì mối hận thù 50 năm- Ảnh 2.

Theo dữ liệu bán hàng tạp hóa của Nielsen, thương hiệu này chiếm khoảng 15% thị trường thịt nguội trên toàn quốc, so với Kraft (sở hữu Oscar Mayer, cùng nhiều thương hiệu khác) ở mức 11%, Tyson ở mức 9% và Hormel ở mức 7%.

Trước đây, Kraft đã tìm cách bán Oscar Mayer vì khó cạnh tranh nổi với Boar's Head nhưng sau vụ bê bối trên, câu chuyện có thể sẽ khác.

Thâm thù 50 năm

Trong một tài liệu tòa án năm 2021, luật sư David Koche cho biết Boar's Head là một tập đoàn gia đình trị nhưng các thành viên trong gia tộc lại chẳng hạnh phúc.

Tập đoàn Boar's Head được thành lập bởi 2 gia tộc là Brunckhorst và Bischoff, vốn là con trai và con rể của nhà sáng lập Frank Brunckhorst, sau đó chia đều cổ phần cho con cháu 2 bên.

Tuy nhiên căng thẳng bắt đầu nảy sinh từ thập niên 1970 khi một người con cháu qua đời trước những người khác cùng thế hệ và 25% cổ phần của ông trong công ty lại thuộc về gia tộc bên kia chứ không phải người con trai Eric Bischoff.

Cụ thể, khi Herbert Bischoff qua đời vào năm 1973, bà Barbara Brunckhorst, người đã mất vào năm 2020 và là con gái của nhà đồng sáng lập Frank Brunckhorst Jr, đã mua lại 25% cổ phần từ ông này, đem về quyền sở hữu hơn 50% cho gia tộc Brunckhorst. Trong khi đó phải mãi đến khi tốt nghiệp đại học thì người con trai Eric mới được hứa hẹn trả lại cổ phần.

Bản thân Eric đã nỗ lực làm việc hàng chục năm tại Boar's Head với lời cam kết là sẽ giành lại được 25% cổ phần của cha mình, thế nhưng dù được trả lại một chút cổ phần nhưng gia tộc Brunckhorsts bên kia lại lật lọng khiến ông tức giận rời công ty với mối thâm thù suốt 50 năm.

Nội chiến gia tộc bán thịt trị giá 1,3 tỷ USD: Bất chấp bê bối khiến ít nhất 10 người chết và gần 60 người nhập viện, các 'anh chị em' vẫn kiện cáo nhau vì mối hận thù 50 năm- Ảnh 3.

Kể từ năm 2005, cả Eric và gia tộc Brunckhorsts bên kia đều đang kiện cáo lẫn nhau để tranh giành tập đoàn thịt nguội này.

"Các thành viên gia đình đã lợi dụng việc cha tôi mất vào năm 1973 để lấy đi cổ phần của ông ấy", Eric cho biết trong một lời khai năm 2022 trước tòa.

Nhằm phục thù, Eric đang nhắm đến 25% cổ phần của Barbara Brunckhorst.

Hiện Frank Brunckhorst III, cháu của Barbara và đang sở hữu 25% cổ phần còn lại trong số 50% cổ phần của người cô đang kiện người anh em họ thứ hai của mình là Eric Bischoff.

Phức tạp hơn nữa, cổ đông lớn nhất của Boar's Head lại đang là Robert S. Martin, con cháu của Alvina Bischoff, con gái của người đồng sáng lập Bruno Bischoff đã đổi sang họ chồng là Martin. Hiện ông Martin cùng gia tộc của mình sở hữu đến 35% cổ phần.

Sự không đồng đều này khiến các con cháu của 2 nhà sáng lập Boar's Head mâu thuẫn với nhau.

Hồ sơ pháp lý cho thấy Boar's Head đã được Frank Brunckhorst III điều hành cùng với anh họ Robert S. Martin (con trai của Alvina) trong nhiều năm. Tuy nhiên Frank đã từ chức Chủ tịch hội đồng quản trị vào năm 2004 trong khi Martin vẫn giữ chức CEO suốt 20 năm qua. Về phần Eric, hiện không rõ người đàn ông này giữ chức vụ gì bởi ông chỉ làm việc trong công ty đến năm 2021.

Cội nguồn xung đột

Hãng Boar’s Head bắt đầu với Frank Brunckhorst từ năm 1905, vốn là một người giao giăm bông ở Brooklyn bằng xe ngựa kéo với hình ảnh một con lợn rừng đặc trưng ở bên hông. Sau khi ông mất năm 1931, con trai ông là Frank Jr. và con rể Bruno Bischoff đã thừa kế công việc kinh doanh, qua đó đưa công ty sang hướng mới là sản xuất thịt nguội, giăm bông.

Họ đã mở cơ sở chế biến đầu tiên vào năm 1933 và hợp nhất doanh nghiệp với tên gọi Boar’s Head Provisions.

Nội chiến gia tộc bán thịt trị giá 1,3 tỷ USD: Bất chấp bê bối khiến ít nhất 10 người chết và gần 60 người nhập viện, các 'anh chị em' vẫn kiện cáo nhau vì mối hận thù 50 năm- Ảnh 4.

Sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp này đã dẫn đến vụ kiện thuế năm 1977 liên quan đến tài sản của Bruno Bischoff và vợ ông. Nhìn thấy nguy cơ từ người thân, ông Frank Brunckhorst Jr. quyết định thay đổi cơ chế sở hữu thành gia đình trị, hạn chế giao dịch cổ phiếu với quy định chỉ các thành viên trực hệ mới được sở hữu cổ phần.

Thế nhưng chính quy định này lại là cội nguồn của xung đột khi sự phân chia cổ phần trở nên không đồng đều giữa các con cháu trực hệ.

Sự chia rẽ trong gia đình Boar’s Head với ông Martin và Brunckhorst ở một bên còn gia tộc Bischoff ở bên kia.

Năm 2019, Eric Bischoff yêu cầu trọng tài về các cổ phiếu được chuyển nhượng cho con trai của Martin, Robert P., người là giám đốc điều hành của Boar's Head. Năm 2021, Martin đã kiện ngược Eric Bischoff về các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu từ năm 2011, 2013 và 2016.

Phía gia tộc Brunckhorst cho rằng Eric dù đến làm ở Boar's Head nhưng thường xuyên cáu kỉnh vì sở hữu ít cổ phần hơn những anh chị em họ khác.

Tuy nhiên, cuộc chiến sở hữu này có lẽ đang chẳng còn quan trọng nữa khi nhiều nghị sĩ đề nghị truy tố trách nhiệm hình sự với Boar's Head vì khiến ít nhất 10 người chết do ăn phải thịt nhiễm khuẩn. Nếu bị phát hiện gây tắc trách và có sai phạm, nhiều khả năng con cháu 2 gia tộc sẽ phải ngồi tù hoặc nộp phạt bảo lãnh.

Tệ hơn nữa, cơ ngơi 119 năm mà cha ông để lại có thể tan thành mây khói khi người tiêu dùng không còn tin tưởng mua thịt nguội của Boar's Head nữa.

*Nguồn: BI, Forbes

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/noi-chien-gia-toc-ban-thit-tri-gia-13-ty-usd-bat-chap-be-boi-khien-it-nhat-10-nguoi-chet-va-gan-60-nguoi-nhap-vien-cac-anh-chi-em-van-kien-cao-nhau-vi-moi-han-thu-50-nam-a95970.html