Lo ngại bất công nếu miễn học phí cho con giáo viên

Nhiều giáo viên nói tiền lương có thể chưa cao, nhưng không đến nỗi để được miễn học phí cho con cái như đề xuất của Bộ Giáo dục, còn nhà quản lý lo ngại về tính khả thi và công bằng.

Vào nghề từ đầu những năm 90, cô Thanh Hải, dạy tiểu học tại Hà Nam, nói chưa bao giờ thấy giáo viên được quan tâm bằng nhiều chính sách như hiện tại. Điều này giúp cô và đồng nghiệp thêm lòng tin với nghề, vững tâm công tác.

Tuy nhiên, đề xuất miễn học phí cho con giáo viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cách đây ít hôm, cô Hải thấy chưa hợp lý.

"Còn nhiều người khó khăn hơn giáo viên", cô nói. Trong hơn 30 năm dạy học ở nông thôn, cô Hải từng gặp nhiều phụ huynh rất chật vật mới có thể lo cho 2-3 con đi học. Không phải nhà nào cũng đủ điều kiện hộ nghèo để được miễn, giảm học phí.

Theo cô, đồng lương giáo viên có thể không cao, nhưng so với những phụ huynh không có việc làm ổn định, đời sống thầy cô "không đến nỗi nào". Vì vậy, việc được hưởng đặc quyền miễn học phí cho con cái khiến cô không thoải mái, thậm chí áy náy và thấy bất công vì "được thiên vị".

Cô Đoàn Ngọc, giáo viên tiểu học công lập ở Phú Thọ, chung tâm trạng. Cô cho rằng đề xuất của Bộ, nếu thành hiện thực, có thể gây lãng phí ngân sách mà không giúp được đúng người.

"Giáo viên thu nhập ổn định, do hưởng lương từ ngân sách, một bộ phận có thêm thu nhập như trông trưa, dạy tăng cường buổi chiều hoặc dạy thêm bên ngoài", cô nói.

Chưa kể, hiện một số tỉnh, thành và nhiều trường học đã có chính sách riêng để hỗ trợ học sinh nói chung, con giáo viên nói riêng. Như tại trường cô Ngọc, con giáo viên được giảm trừ chi phí khi tham gia các hoạt động sau giờ học, khoảng 1,5 triệu đồng một năm.

"Nói chung, thu nhập của giáo viên, theo tôi, không phải thấp đến mức con cái cần được miễn học phí theo chính sách riêng", cô Ngọc nói.

Cả nước hiện có hơn 1,05 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ tháng 7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc.

Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Nhiều năm làm quản lý, ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, băn khoăn về cơ sở Bộ đưa ra đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Chưa kể, ngân sách lấy tiền đâu ra để chi trả.

Theo ước tính của Bộ này, mức chi dự kiến là khoảng 9.200 tỷ đồng một năm. Ngay tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 8/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi, nguồn tiền.

Ông Chương cho rằng để thấy rõ sự bất hợp lý của đề xuất, cần đặt trong tương quan với các ngành nghề khác. Lao động ở nhiều ngành, nghề cũng khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm mà thu nhập bấp bênh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói nhà giáo cũng là viên chức, không thể có quá nhiều "đặc quyền, đặc lợi" so với những viên chức khác.

Hiện, giáo viên được đề xuất xếp lương cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp nghề nghiệp, được ở nhà công vụ nếu đi dạy xa... Theo ông, việc tăng lương, thậm chí phải tăng rất cao cho giáo viên là đúng, nhưng không nên miễn bất cứ thứ gì, kể cả học phí cho con thầy cô.

"Chúng ta không thể chuyển sự bất công này sang một bất công khác. Ngành nghề nào cũng đáng được trân trọng và ưu tiên như nhau", ông nói. "Đề xuất của Bộ dễ bị đánh giá là lợi ích nhóm".

Giáo viên trường mầm non Củ Chi, TP HCM cho trẻ ăn tại trường. Ảnh:Quỳnh Trần

Giáo viên trường mầm non Củ Chi, TP HCM cho trẻ ăn tại trường. Ảnh: Quỳnh Trần

Có góc nhìn khác, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, ủng hộ kế hoạch của Bộ. Ông thấy rằng thu nhập của giáo viên nói chung vẫn còn thấp, khiến họ phải xoay sở "chân ngoài dài hơn chân trong". Giáo viên được đề xuất xếp lương cao nhất nhưng "vẫn không ăn thua", nhiều nơi thầy cô không đủ sống.

"Ưu đãi cho con cái giúp giáo viên yên tâm công tác, có thể là động lực khuyến khích nhiều người gắn bó với nghề giáo", ông Nhĩ nhận định.

Cô Hứa Thị Diễm Trâm, hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập, TP HCM, thấy "tương đối hợp lý" nếu chỉ miễn học phí, con giáo viên vẫn đóng các khoản khác bình thường.

Theo cô, học phí công lập các cấp tương đối thấp, riêng tiểu học đã miễn, nên chính sách này không quá tạo áp lực cho ngân sách. Trường hợp con nhà giáo học trường tư, quốc tế, mức miễn giảm sẽ được trừ như mức ở trường công.

Còn cô Thanh Hải ở Hà Nam cho rằng chính sách miễn học phí, nếu có, chỉ nên áp dụng với những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

"Như vậy vừa hỗ trợ được đúng người, lại không tạo cảm giác giáo viên được hưởng quá nhiều đặc quyền, ưu tiên", cô Hải nói.

Thanh Hằng - Tâm Lệ

*Tên giáo viên được thay đổi

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/lo-ngai-bat-cong-neu-mien-hoc-phi-cho-con-giao-vien-a96019.html