Sản xuất gấp 1,2 lần nhưng vì sao nước này vẫn chi 625 triệu USD nhập gạo Việt Nam?

Đây là nước láng giềng của Việt Nam.

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng lượng gạo sản xuất toàn cầu đạt 521,52 triệu tấn trong mùa vụ 2023/2024, cao hơn 1% so với mùa vụ 2022/2023. Trung bình 10 năm, 2014-2023, thế giới sản xuất 500,4 triệu tấn gạo.

Cũng theo dữ liệu từ cơ quan trên, Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất gạo, 144,62 triệu tấn trong mùa vụ 2023/2024, chiếm 28% lượng gạo sản xuất toàn cầu.

Ấn Độ đứng thứ hai, đạt hơn 137 triệu tấn, chiếm 26% sản lượng toàn cầu. Bangladesh xếp thứ 3, chiếm 7%, tương đương 37 triệu tấn.

5 nước xếp tiếp theo đều các quốc gia ASEAN: Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Myanmar. Cụ thể, Indonesia sản xuất được 33,02 triệu tấn gạo. Việt Nam xếp sau, đứng thứ 5 toàn cầu về lượng gạo sản xuất, 26,63 triệu tấn, tương đương 5%.

Như vậy, lượng gạo Việt Nam sản xuất thua Indonesia hơn 1,2 lần.

Tuy nhiên, Indonesia lại là thị trường đứng thứ hai nhập khẩu gạo của Việt Nam. Trong tháng 9 vừa qua, cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia ra thông báo mời thầu gạo với sản lượng lên đến 450.000 tấn, lượng mời thầu cao nhất từ trước đến nay, loại gạo trắng 5% tấm sản xuất trong niên vụ 2024 (đã xay xát không quá 6 tháng).

Sản xuất gấp 1,2 lần nhưng vì sao nước này vẫn chi 625 triệu USD nhập gạo Việt Nam?- Ảnh 1.

Gạo (cơm) là loại thực phẩm quan trọng của Indonesia.

Theo yêu cầu của Indonesia, gạo phải có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan và sẽ nhận hàng trong tháng 10 và 11.

Trước đó, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 7/2024 với số lượng 320.000 tấn gạo 5% tấm, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 7 trên tổng số 12 gói thầu, tổng số lượng gạo trúng thầu là 185.000 tấn. VinaFood 1 là đơn vị trúng thầu nhiều nhất, với 104.000 tấn.

Nửa đầu năm nay, Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam với mức tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái với sản lượng nhập khẩu gần 709.000 tấn.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 563 USD/tấn, bằng với Thái Lan và cao hơn gạo Pakistan cùng phẩm cấp 26 USD/tấn; thấp hơn so với cuối tháng 8 khoảng 10 USD/tấn.

Indonesia nhập gạo để tăng dự trữ quốc gia

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 9 tháng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia 1,03 triệu tấn gạo, thu về 625 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng 16,9%, trong khi giá trị tăng mạnh 35%. Với số liệu này, Indonesia tiếp tục giữ vững vị trí khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam.

“Xứ sở vạn đảo” này hiện đứng thứ 3 thế giới về lượng tiêu thụ gạo nên mỗi năm vẫn phải nhập khẩu lượng rất lớn về phục vụ tiêu dùng nội địa dù sản xuất gạo của Indonesia lớn thứ 4 thế giới và đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan.

Năm nay, Indonesia dự kiến nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo và Việt Nam sẽ là nhà cung cấp gạo lớn thứ nhất cho quốc gia này.

Theo hãng tin Bernama (Malaysia), trong bối cảnh giá cả tăng cao và nguồn cung thiếu hụt, chính phủ Indonesia, với sự hỗ trợ của Cơ quan Lương thực Quốc gia, đã đưa ra chiến lược nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu của người dân và ổn định thị trường gạo vốn biến động.

Sản xuất gấp 1,2 lần nhưng vì sao nước này vẫn chi 625 triệu USD nhập gạo Việt Nam?- Ảnh 2.

Nasi goreng (cơm chiên) là món ăn quen thuộc tại quốc gia vạn đảo.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati gần đây đã nêu lên mối lo ngại về mức tăng 7,7% hàng tháng của giá gạo, đạt mức trung bình 15.000 rupiah (khoảng 30.000đồng)/tháng.

Người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia Arief Prasetyo Adi, ủng hộ chỉ thị của Tổng thống Indonesia Joko Widodo về việc nhập khẩu gạo kể từ năm ngoái, cho biết động thái này rất quan trọng trong việc bảo vệ nguồn dự trữ và hợp lý hóa việc phân phối gạo cho người dân.

Ông chỉ ra rằng chính phủ cần can thiệp vào thị trường gạo để quản lý biến động giá cả và tình trạng thiếu hụt kho Dự trữ Lương thực của Chính phủ (CPP).

Arief cho biết việc nhập khẩu nhằm mục đích củng cố CPP và ổn định giá cả, đồng thời cho biết thêm rằng Bulog, cơ quan mua sắm lương thực nhà nước, đang tích cực phân phối gạo ra thị trường.

Chương trình viện trợ gạo 10kg của chính phủ, do Tổng thống Jokowi khởi xướng vào tháng 4 năm 2023, cũng sẽ tiếp tục cho đến tháng 6 năm 2024, mang lại lợi ích cho 22 triệu gia đình, lấy từ Quỹ Dự trữ gạo của Chính phủ (CBP).

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/san-xuat-gap-12-lan-nhung-vi-sao-nuoc-nay-van-chi-625-trieu-usd-nhap-gao-viet-nam-a96986.html