Ngày 23/10, Boeing thông báo đã lỗ 6 tỷ USD trong riêng quý III. Tính từ đầu năm, tổng thiệt hại đã lên tới 8 tỷ USD. Doanh thu quý trước cũng giảm 1%, về 17,84 tỷ USD.
Trong quý, Boeing tiêu tốn 1,96 tỷ USD tiền mặt, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (310 triệu USD). Giám đốc Tài chính Brian West dự báo tình trạng đốt tiền sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay và 2025.
Để giải quyết khó khăn tài chính trong ngắn hạn, Boeing dự tính phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu. Quy mô phát hành có thể rơi vào khoảng 15 tỷ USD, theo Reuters.
“Dựa trên phân tích hiện tại về nhu cầu thị trường, tốc độ sản xuất, thời gian nhận thanh toán và trả các chi phí, chúng tôi tin vẫn đủ vốn để hoạt động trong tương lai gần và tiếp cận thêm thanh khoản thời gian tới”, Boeing cho biết trong báo cáo.
Hiện hãng có thể phải bán bớt tài sản, giảm quy mô lao động để tập trung vào mảng chính là sản xuất máy bay và thiết bị quốc phòng.
“Tôi cho rằng chúng tôi nên làm ít đi và tốt hơn, thay vì dàn trải và chẳng cái nào làm ổn”, CEO Boeing Kelly Ortberg nói.
Trước đó, một tháng đình công của hơn 30.000 công nhân Boeing tại các nhà máy khu vực Bờ Tây (Mỹ) đã khiến Boeing thiệt hại gần 5 tỷ USD, theo phân tích mới nhất của hãng tư vấn Anderson Economic Group. Phần lớn tác động do công nhân và cổ đông Boeing gánh chịu với 3,7 tỷ USD.
Kể từ khi cuộc đình công diễn ra, không một máy bay nào được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Everett, Washington. “Các nhà cung cấp, doanh nghiệp quanh Seattle và khách hàng của Boeing cũng đang chịu ảnh hưởng”, Patrick Anderson, CEO Anderson Economic Group, cho biết.
“Chi phí đang ngày một tăng do công ty vẫn tiêu lượng lớn tiền mặt. Họ có thể phải vay thêm, hoặc phát hành cổ phiếu để duy trì hoạt động qua đợt đình công này. Quá trình hồi phục sau đó cũng sẽ rất khó khăn”, Anderson nói.
Được biết trước cuộc đình công, Boeing vốn đang quay cuồng trong loạt khủng hoảng liên quan đến an toàn bay, từ sản xuất chậm trễ đến khối nợ lên tới 60 tỷ USD. Thomas Hayes, nhà phân tích tại Great Hill Capital, cho biết việc sa thải có thể tăng sức ép lên người lao động và khiến họ chấm dứt đình công.
“Giải quyết các vấn đề của Boeing là công việc khổng lồ”, CEO United Airlines Scott Kirby đầu tháng này nhận định. “Đây không phải công việc giải quyết được trong 12 tháng, mà là 2 thập kỷ”.
Trước đó hồi tháng 6, Reuters trích dẫn hai nguồn tin trong ngành cho biết Boeing sẽ trì hoãn thời gian sản xuất đối với dòng máy bay phản lực 737 trong 3 tháng giữa bối cảnh hoạt động sản xuất máy bay phản lực chậm lại đáng kể.
Ngày 8/7, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo đã yêu cầu kiểm tra 2.600 máy bay Boeing 737 sau khi tiếp nhận báo cáo về vấn đề xoay quanh dây đeo mặt nạ dưỡng khí dùng cho hành khách trong trường hợp khẩn cấp. Theo đại diện Boeing, hãng chỉ bán được 14 máy bay phản lực mới trong tháng 6 vừa qua.
Theo: Reuters