Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó bão TRAMI.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao.
Nội dung công điện nêu rõ, chiều nay, cơn bão có tên quốc tế là TRAMI đã vượt qua đảo Lu dông (Philippines) vào khu vực bắc biển Đông trở thành cơn bão số 6 trên biển Đông trong năm 2024, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tới bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14-15, di chuyển theo hướng tây về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó có thể ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi và ven bờ các tỉnh khu vực Trung Bộ (từ Hà Tĩnh đến Bình Định) trong khoảng từ ngày 27 - 29 tháng 10 năm 2024.
Đây là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi do tác động của nhiều hình thế thời tiết trên biển.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra trên đất liền các khu vực Trung Bộ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ. Đồng thời, các bộ, ngành như Giao thông Vận tải, Công Thương và Nông nghiệp được giao nhiệm vụ phối hợp đảm bảo an toàn các hệ thống dầu khí, khai thác khoáng sản, lưới điện và hồ chứa thủy điện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã được yêu cầu tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời cho người dân và cơ quan liên quan để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Thủ tướng nhấn mạnh, mọi biện pháp phải được thực hiện quyết liệt và nhanh chóng, bảo đảm an toàn tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/thu-tuong-khong-de-xay-ra-tinh-trang-bat-ngo-hay-bi-dong-khi-ung-pho-bao-trami-a98189.html