Hiện nay, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, cũng đề nghị bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ðây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ bảo hiểm xã hội, tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm thu hút người dân (nhất là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia.
Người tham gia liên tục gia tăng
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2017 - trước thời điểm Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết 28) ban hành, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 10 năm thực hiện (từ tháng 1/2008), số người tham gia của cả nước là 224 nghìn người. Từ khi triển khai Nghị quyết 28, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không ngừng tăng nhanh, kể cả trong tình hình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nếu như năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28, toàn quốc có hơn 277 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đến hết tháng 3/2023, con số này là gần 1,5 triệu người (gấp 5,4 lần so với thời điểm năm 2018).
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước cũng tăng qua các năm. Năm 2022, theo thống kê, đã có 34.419 người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ (30% mức đóng), 39.597 người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ (25%), hơn 1,38 triệu người được hỗ trợ đóng theo diện đối tượng khác (10% mức đóng).
Cùng với đó, hệ thống tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và mạng lưới cộng tác viên được mở rộng, phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố…, đã tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Những kết quả đó cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân của Ðảng, Nhà nước.
Trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện được sửa đổi theo hướng gia tăng quyền lợi thụ hưởng; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tự bảo đảm an sinh cho chính mình. Vì thế, khi người dân tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
Ðặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, hiện nay, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn, nên ngày càng thu hút người tham gia chính sách này. Hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ tham gia từ ngân sách nhà nước được thực hiện từ năm 2018 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có 18/63 tỉnh hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, như Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Tăng tính hấp dẫn của chính sách
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, mới chỉ có gần 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn gần 28,42 triệu người chưa tham gia, chiếm khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách. Bởi trong thực tế, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tham gia và số lao động tự do thuộc khu vực phi chính thức tại nước ta còn rất lớn.
Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết: Ðể đạt được các mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội như Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, dự thảo Luật quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không phải đóng.
Hiện nay, nhiều giải pháp tăng số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được ngành bảo hiểm xã hội tích cực triển khai. Cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp các ngành, các cấp lập danh sách đối tượng tiềm năng chưa tham gia bảo hiểm xã hội để tập trung tuyên truyền, vận động. Ða dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, tư vấn, đối thoại trực tiếp...; chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cơ sở theo các nhóm đối tượng, hoặc tổ chức hội nghị khách hàng. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng chủ động kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mua tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.
NHẬT ANH
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tang-tinh-hap-dan-cua-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-a9825.html