“Ảo ảnh đỏ” trong cuộc bầu cử Mỹ
Xuyên suốt lịch sử chính trường Mỹ, hầu hết cử tri đều bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử, giúp việc kiểm đếm tương đối đơn giản. Tuy nhiên, sau năm 2000, hình thức bỏ phiếu qua thư và sử dụng phiếu bầu tạm thời ngày càng được ưa chuộng, buộc các ủy ban kiểm phiếu phải kéo dài thời gian làm việc sau đêm bầu cử.
Đặc biệt, năm 2020, xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn khi nhiều cử tri chuyển sang bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu vắng mặt trong thời kỳ giãn cách vì đại dịch Covid-19. Do sự khác biệt giữa các đảng phái trong việc áp dụng các hình thức bỏ phiếu thay thế này, kết quả bầu cử có nhiều thay đổi.
Thuật ngữ “ảo ảnh đỏ” ra đời từ khi đó, mô tả hiện việc các ứng cử viên của “đảng đỏ” dường như có lợi thế lớn vào đêm bầu cử nhưng lợi thế này sẽ dần giảm xuống khi có nhiều lá phiếu gửi qua thư ủng hộ đảng Dân chủ được kiểm đếm.
Tại thời điểm này, truyền thông Mỹ vẫn đang “nín thở” chờ đợi viễn cảnh cựu Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc cuộc bầu cử sớm và tuyên bố thắng cử trước khi mọi lá phiếu được kiểm, như những gì ông đã làm vào năm 2020. Đặt niềm tin vào “ảo ảnh đỏ” trong đêm ngày bầu cử 3/11/2020, ông Trump tự nhận đã chiến thắng đối thủ Joe Biden, mặc dù kết quả bầu cử tại các tiểu bang chiến trường vẫn còn quá sít sao để có thể dự đoán.
Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ những người Cộng hòa đồng hành cùng ông Trump. Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie gọi đây là "một quyết định chính trị tồi tệ", trong khi cựu Thượng nghị sĩ Pennsylvania Rick Santorum cũng không tán đồng những tuyên bố của ông chủ cũ Nhà Trắng. Vài ngày sau đó, khi kết quả được ấn định với chiến thắng thuộc về đảng Dân chủ, ông Trump lập tức kêu gọi Georgia "tìm 11.780 phiếu bầu" để lật ngược kết quả của tiểu bang với lý do “cuộc bầu cử đã bị đánh cắp”.
Khi chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày bầu cử, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết đang chuẩn bị cho kịch bản ông Trump sử dụng cùng một chiến thuật trong lần tranh cử này. Bà nói với NBC News rằng đảng Dân chủ "có đủ nguồn lực và chuyên môn" để ứng phó trước kịch bản cựu Tổng thống đặt niềm tin sai lầm vào “ảo ảnh đỏ” trong đêm bầu cử.
“Ảo ảnh đỏ” của ông Trump ảnh hưởng thế nào đến kết quả bầu cử Mỹ?
Ông Bob Beatty, Trưởng khoa Khoa học chính trị của Đại học Washburn (Mỹ), nói với Newsweek rằng cách tốt nhất để dự đoán những hành vi tiếp theo của ông Trump là dựa vào "những hành động và lời nói trong quá khứ của ông".
"Ông ấy rất có thể sẽ tuyên bố kết thúc cuộc bầu cử sớm bất kể kết quả ra sao. Điều này có thể tạo ra sự ngờ vực đối với kết quả kiểm phiếu được đưa ra sau tuyên bố của ông ấy và thậm chí khuyến khích một số viên chức địa phương không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu, vì ông Trump đã tuyên bố thắng cử", ông Beatty nói
Tuy nhiên, bà Sylvia Albert, cố vấn chính sách cho đảng Đân chủ và đại diện của tổ chức Common Cause, lại cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu ông Trump cố gắng tuyên bố chiến thắng sớm vì cuộc bầu cử được quyết định bởi cử tri, không phải ứng cử viên. Bà nói: "Chúng tôi mong đợi các ứng cử viên cho phép cử tri lên tiếng và tôn trọng ý nguyện của cử tri, dù thắng hay thua. Bản thân hệ thống bầu cử sẽ đảm bảo rằng ý nguyện của người dân được tôn trọng, bất kể các ứng cử viên có thể tuyên bố như thế nào".
Dường như ông Trump đã thay đổi quan điểm với việc bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử năm nay, dù trước đó cựu Tổng thống và những người đồng minh đến từ đảng Cộng hòa liên tục phản đối phương án bầu cử này. Trong những tuần tranh cử cuối cùng, ông đã tìm cách mở rộng phạm vi bỏ phiếu sớm ở bang dao động North Carolina, đồng thời xuất hiện ở nhiều chiến địa khác để kêu gọi người dân sớm đưa ra quyết định.
"Tôi cho rằng bỏ phiếu sớm sẽ tốt, nhưng mọi người có cảm nhận khác nhau về việc này. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải ra ngoài và bỏ phiếu và tôi cũng sẽ làm như vậy", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Fox News.
Dữ liệu ban đầu cho thấy nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu sớm đang có hiệu quả. Theo nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm Bầu cử thuộc Đại học Florida, tính đến nay, đã có gần 25 triệu người Mỹ trên toàn quốc đã bỏ phiếu. Con số này bao gồm một số lượng lớn cử tri Cộng hòa đã đăng ký đã đến các điểm bỏ phiếu trước ngày bầu cử; trong đó có 1,1 triệu cử tri Cộng hòa đã bỏ phiếu trực tiếp, nhiều hơn 990.248 cử tri Dân chủ.
Nhóm phụ trách chiến dịch bầu cử của ông Trump đánh giá dữ liệu trên cho thấy đảng Cộng hòa đã giành lại ưu thế trước đảng Dân chủ.
"Vẫn còn quá sớm để tuyên bố giành chiến thắng, nhưng những sự thay đổi của chúng tôi đang rất tích cực", ông James Blair, Giám đốc phụ trách chính trị của ông Trump nhận định.
Kết quả sẽ không đổi khác?
Ông Schultz cho biết, sẽ không có nhiều khả năng phát sinh “ảo ảnh đỏ” sau những nỗ lực thúc đẩy quá trình bỏ phiếu sớm của ông Trump. Với nhiều cử tri Cộng hòa bỏ phiếu sớm hơn mọi năm, cựu Tổng thống có thể bị tụt lại vào ngày bầu cử, buộc ông phải thay đổi tính toán về cách tuyên bố chiến thắng sớm. Nhưng dù bất kỳ viễn cảnh nào xảy ra, ông Schultz vẫn không nhận thấy cựu Tổng thống “sẽ nhượng bộ”.
"Nếu ông Trump tụt hậu vào ngày bầu cử, ông ấy sẽ nói rằng cuộc bầu cử gian lận. Nếu ông ấy dẫn trước, ông ấy sẽ tuyên bố chiến thắng và những lá phiếu mới là gian lận", ông Schultz nói.
Cùng quan điểm trên, ông Beatty cũng cảnh báo rằng trong trường hợp Phó Tổng thống Harris thắng cử, ông Trump sẽ bắt đầu đệ đơn kiện "liên tục để ngăn chặn việc chứng nhận phiếu bầu của Đại cử tri đoàn", đặc biệt khi đảng viên Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số trong Hạ viện.
Cuộc bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021 đã khiến một số nhà quan sát đặt ra câu hỏi liệu ông Trump có chấp nhận thua cuộc một cách hòa bình trước bà Harris hay không. Theo Giáo sư khoa học chính trị và pháp lý tại Đại học Hamline - David Schultz, khả năng ông Trump "cướp cò" và tuyên bố thắng cử sớm có thể tạo ra một động lực chính trị tương tự như trong cuộc bầu cử trước. Cựu Tổng thống sẽ không vướng phải bất kỳ rắc rối pháp lý nào với tuyên bố như vậy; song, hành động này có thể được xem là một đòn chính trị, “đánh thẳng vào tâm lý muốn đứng lên bảo vệ sự công bằng của nước Mỹ” từ những người ủng hộ trong trường hợp kết quả kiểm phiếu cuối cùng xoay chuyển theo hướng ông Trump không mong đợi.
Tuy nhiên, bà Karoline Leavitt, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã nhanh chóng phản bác suy đoán trên.
"Đã có một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình được thực hiện vào năm 2020 và sẽ được tiếp tục vào năm 2024. Ông Trump đã nói rõ rằng: Chúng ta phải có các cuộc bầu cử tự do và công bằng”, bà Leavitt trả lời báo chí ngày 23/10 vừa qua.