Có nên đưa ra khái niệm "siêu đô thị"?
Sáng 25/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đề cập tới nội dung thành phố trong thành phố, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đề nghị cân nhắc có nên đưa thêm khái niệm "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật.
"Trước đây chúng ta có thành phố thuộc tỉnh, nhưng hiện nay một số địa phương có thành phố thuộc thành phố như thành phố Thủ Đức thuộc Tp.HCM, hay sau này có thể là Tp.Thủy Nguyên thuộc Tp.Hải Phòng. Do đó, có nên xem xét đưa khái niệm "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật lần này?", ông Huân bày tỏ.
Tại Điều 4, dự thảo luật quy định đô thị được phân thành 6 loại, trong đó có đô thị đặc biệt. Đại biểu Nguyễn Quang Huân đặt vấn đề đô thị đặc biệt có nên gọi là "siêu đô thị" hay không?.
Để sau này khi các thành phố lớn có thành phố con trực thuộc thì bản thân các thành phố lớn đó sẽ là "siêu đô thị", đại biểu chia sẻ và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị bổ sung khái niệm về "công trình ngầm" trong Điều 2 của dự thảo luật để tránh các trường hợp diễn giải khác nhau trong tương lai.
Về quy định về bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 9) còn quá chung chung, cần cụ thể hóa hơn, ví dụ như quy hoạch quản lý rác thải đô thị.
Đồng thời, cần có quy định rõ ràng hơn về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ quy hoạch, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích khi các nhà đầu tư tư nhân tài trợ.
Ở đây, chúng ta đề cập đến câu chuyện tiếp nhận tài trợ lập quy hoạch của các nhà đầu tư tư nhân mà không bị các nhà đầu tư chi phối nội dung quy hoạch. Khi doanh nghiệp đã tài trợ là xuất phát từ lòng hảo tâm, quyền sử dụng thế nào là thuộc về cơ quan Nhà nước.
"Do đó, cần có các quy định rõ để không bị xung đột lợi ích, tránh việc lách các quy định khi thực hiện lập quy hoạch", ông Huân nói.
Về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc Trung ương, ông Huân cho rằng Điều 21 về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc Trung ương quá chi tiết, có thể gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện, đề nghị cân nhắc viết theo hướng bao quát hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc giảm bớt các quy hoạch chi tiết, đơn giản như quy hoạch cấp nước, vì quá nhiều quy hoạch sẽ gây rắc rối, thay vào đó có thể quy định chung trong luật, còn các bước cụ thể để lập quy hoạch có thể để trong các quy định ngành.
Làm rõ quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm
Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng...
Về lấy ý kiến của cộng đồng khu dân cư được quy định tại Điều 36 và Điều 37, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng, các điều luật trên đã đề cập đến việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quy hoạch nhưng chưa có cơ chế rõ ràng về việc phản hồi và xử lý các ý kiến này.
Thời gian lấy ý kiến trong dự thảo luật quy định là 30 ngày đối với cộng đồng dân cư nhưng chưa quy định về việc tiếp thu, phản hồi như thế nào.
Do vậy, đại biểu Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý phản hồi lại cho cộng đồng và cũng đề nghị nghiên cứu cần bổ sung quy định về việc tổ chức các buổi đối thoại công khai giữa các cơ quan chức năng và người dân trong trường hợp có tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến về quy hoạch để đảm bảo minh bạch và đồng thuận, thuận lợi hơn trong quá trình triển khai quy hoạch.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho biết, quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Đối với khái niệm đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng, khoản 1 và khoản 3 Điều 2 giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy…
Theo đại biểu, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc. Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỉ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, khoản 6 Điều 16 dự thảo Luật quy định: Cơ quan tổ chức có chức năng quản lý đầu tư xây dựng đất đai tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
Bà Hạnh cho rằng cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/dbqh-neu-ly-do-de-xuat-bo-sung-khai-niem-sieu-do-thi-a98290.html