Chiều 24/10, bão Trami (Trà Mi) đã vào Biển Đông, chính thức trở thành cơn bão số 6. Từ giờ đến cuối tuần, cơn bão này được nhận định sẽ đi chậm theo hướng Tây, “gom” năng lượng và mạnh dần lên, đạt cường độ tối đa vào khoảng 26/10, với sức gió 100 - 110 km/h (cấp 10, cấp 11), theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ.
Sau cuối tuần này, bão Trami được dự báo sẽ lòng vòng trên Biển Đông do chịu tác động của gió và đáng chú ý nhất có thể là sự xuất hiện của một cơn bão mới. Cụ thể, hiện ở phía Tây Thái Bình Dương có một vùng áp thấp ký hiệu là 98W. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã ghi 98W là áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và dự báo nó sẽ mạnh lên thành bão ngay trong ngày 25/10. Khi đó, nó có thể sẽ có tên là Kong-rey.
Hướng di chuyển chủ yếu của 98W là hướng Tây Bắc, tức là nó sẽ tiến đến khoảng giữa Philippines và Đài Loan (Trung Quốc). Khi thành bão, nó sẽ tương tác với bão Trami. Bão Trami “phản hồi” bằng cách đi chậm lại và rồi có khả năng bị 98W - lúc đó đã thành bão Kong-rey - “kéo” sang phía Đông. Đây là yếu tố góp phần khiến Trami quay đầu 180 o . Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có mức độ cũng yếu, và một số mô hình dự báo cho rằng sau đó bão Trami quay đầu lần nữa, lại hướng về phía miền Trung nước ta.
Các mô hình chưa thống nhất được là sau đó bão Trami sẽ thế nào, vì còn tùy vào độ “gắt” và tốc độ của cú ngoặt 180 o .
Cũng chưa chắc chắn liệu bão Trami có vào nước ta không. Mô hình GFS (Hệ thống Dự báo Toàn cầu) của Mỹ nhận định bão Trami sẽ đổ bộ gần Huế trước khi quay đầu. Mô hình của châu Âu (EMCWF) dự báo bão Trami đi ngoằn ngoèo hơn, cho rằng bão sẽ đổ bộ Quảng Ngãi, rồi vòng ra biển, rồi vòng vào Quảng Ngãi lần nữa. Các mô hình khác thì cho rằng bão Trami chỉ loanh quanh ngoài biển.
Đường đi của bão Trami rất phức tạp và có thể còn nhiều thay đổi, nên người dân lưu ý thường xuyên theo dõi thông báo của các cơ quan chức năng địa phương trong những ngày tới để có cách ứng phó kịp thời nếu cần thiết.