Giấc mơ Mỹ vỡ vụn vì lạm phát

Giấc mơ Mỹ ngày càng khó đạt được, xét về cả cơ hội thành công lẫn thoát nghèo.

Lạm phát đã hạ nhiệt. Người dân Mỹ được tăng lương và chi tiêu thoải mái hơn. Tuy nhiên, 2 tuần trước thềm cuộc bầu cử, mọi người vẫn chưa hết lo lắng, nhất là khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Tốc độ tăng giá đã chậm lại đáng kể, song chưa thấm vào đâu.

“Thật khó để điều chỉnh”, Marilyn Huang, một kỹ sư 54 tuổi ở Doylestown, Pa cho biết.

Cũng như nhiều người Mỹ khác, lương của Huang đã tăng kể từ năm 2020. Cô cùng bạn đời vẫn tiếp tục phải chi tiêu cho việc đi lại và thậm chí, ăn tối nhiều hơn trước. “Bạn đã sống với mức giá ổn định này suốt cuộc đời mình. Về mặt tinh thần, điều đó thật khó khăn”, cô nói và cho biết hai người đã phải tự cắt tỉa cây vì không chịu nổi việc phải trả 1.000 USD cho người làm vườn.

Theo Bộ Lao động, lạm phát chậm lại đáng kể trong 2 năm qua và đã giảm xuống còn 2,4% vào tháng 9. Nhiều nhà kinh tế và hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang coi đây là trạng thái tuyệt vời. Lạm phát hạ nhiệt giúp Fed bắt đầu hạ lãi suất.

Dẫu vậy, người dân Mỹ vẫn phải đối mặt với mức giá cao ngất ngưởng, bao gồm nhà ở, ô tô, dịch vụ chăm sóc trẻ em và bảo hiểm. Ai cũng vật lộn theo kịp tốc độ tăng giá hoặc buộc phải điều chỉnh chi tiêu để theo kịp. Số khác chỉ đơn giản khó chịu vì phải trả nhiều tiền hơn cho hàng tạp hóa, bánh sandwich deli hoặc cà phê buổi sáng.

Cuộc khảo sát toàn quốc mới nhất của Tạp chí Phố Wall, được công bố vào thứ Tư, cho thấy khoảng ¾ số người được hỏi tin rằng chi phí cho hàng hóa và dịch vụ hàng ngày đã vượt quá thu nhập hộ gia đình trong năm qua. Con số đặt ra một thách thức cho Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump - những người đang theo đuổi cuộc bầu cử nóng bỏng.

Đỉnh lạm phát vào giữa năm 2022 được ghi nhận ra sau khi Covid-19 làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và người Mỹ, với số tiền tiết kiệm của mình, vẫn tiếp tục chi tiêu. Căng thẳng Ukraine - Nga cũng đẩy giá dầu và khí đốt lên cao.

Jeannie Ricketts phàn nàn với WSJ rằng, loại mâm xôi yêu thích trước đây đã tăng từ 3,99 USD lên 4,99 USD tại siêu thị Austin, Texas. Người phụ nữ 56 tuổi này, dù mức tăng lương đã vượt xa mức tăng giá trung bình kể từ năm 2020, cảm thấy không thoải mái.

“Thật vô lý khi nói rằng bạn sẽ không trả thêm 1 USD cho quả mâm xôi”, Ricketts nói. “Nhưng nếu chúng được bán với giá 3,99 USD, tôi sẽ thấy vui hơn”.

Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10 cho thấy người Mỹ đã hạ thấp đáng kể kỳ vọng về tình trạng lạm phát liên tục. 44% số người được khảo sát cho biết giá cao đang làm xấu đi tình hình tài chính cá nhân.

“Người tiêu dùng biết rằng lạm phát đã chậm lại”, Joanne Hsu, giám đốc Khảo sát cho biết. “Quan điểm của họ về nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thực tế là giá vẫn cao”.

Dữ liệu khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã cải thiện so với mức đáy vào giữa năm 2022, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khi đại dịch bùng phát. Cristian Cook ở Leland, Bắc Carolina là một trong số đó.

“Khi đến quầy thu ngân, bạn sẽ cảm thấy như kiểu, trời ơi, tôi thực sự không mua được nhiều thứ ở đây”, kỹ thuật viên điện thoại và internet 33 tuổi cho biết.

Đối với Cook và nhiều người khác, phản ứng này không chỉ đơn thuần là sốc vì giá cả. Lương của anh đã tăng khoảng 8% trong 4 năm qua. Anh và vợ vẫn thường đưa con gái đi ăn hàng và tham gia các hoạt động vui chơi, chẳng hạn như công viên bạt lò xo vào mỗi cuối tuần. Những chuyến đi chơi đó hiện diễn ra hàng tháng.

Sau khi bỏ phiếu cho Tổng thống Biden vào năm 2020, Cook cho biết mình vẫn chưa thể đưa ra quyết định trong năm nay, song gần đây đã nghiêng về ông Trump. Tuy nhiên, anh cũng rất thích thú với đề xuất của bà Harris về việc trấn áp tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Giá cả tăng vọt là trụ cột của những năm 1970 và đầu những năm 80, khi lạm phát đôi khi lên tới hai chữ số. Paul Volcker, khi đó là chủ tịch mới của Fed, đã nhận xét vào cuối năm 1979 rằng “cả một thế hệ thanh niên đã lớn lên kể từ giữa những năm 1960 chỉ biết đến lạm phát”. Sự gia tăng kéo dài đồng nghĩa với việc một mặt hàng có giá 25 USD vào tháng 12 năm 1965 sẽ có giá hơn 60 USD vào tháng 12 năm 1979.

Ulrike Malmendier, giáo sư kinh tế và tài chính tại Trường Kinh doanh Haas của Đại học California, Berkeley, đã nghiên cứu cách sống trong thời kỳ lạm phát và các biến động kinh tế. Hầu hết các mô hình trước đây đều cho rằng khi các vấn đề như lạm phát lắng xuống, mọi người vẫn sẽ tiếp tục thói quen, hành vi trước đây, song giờ đây thì khác.

Theo Stefanie Stantcheva, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, quan điểm tiêu cực của mọi người về lạm phát một phần đến từ niềm tin rằng tiền lương của họ không theo kịp. Bà đã khảo sát mọi người vào đầu năm nay để tìm hiểu quan điểm của công chúng về lạm phát. “Điều này góp phần gây ra sự không thích lạm phát và cảm giác rằng nó làm xói mòn mức sống của bạn”, Stantcheva cho biết.

Có thể thấy, đa số người Mỹ đều cảm nhận được rằng cơ hội thành công của họ đã giảm đi. “Giấc mơ Mỹ dường như đã nằm ngoài tầm với so với các thế hệ trước”, Emerson Sprick, nhà kinh tế tại Washington, DC, nói và cho biết sự suy giảm liên tục của lương hưu trong bối cảnh gia tăng chi phí sở hữu nhà là 2 trong số những thay đổi kinh tế lớn nhất trong thập kỷ.

Marquell Washington từng được dạy rằng bằng đại học là chiếc vé cuối giúp mình thoát khỏi khu phố nghèo. Anh là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học, song cũng bỏ dở vào năm thứ 3 vì một số lý do cá nhân. Hiện Washington kiếm được khoảng 30.000 USD/năm nhờ công việc bán thời gian cho tổ chức phi lợi nhuận My Block, My Hood, My City. Thu nhập được cho là không đủ để anh trả nốt nợ chứ đừng nói gì đến mua nhà.

“Họ không nói cho bạn biết giấc mơ Mỹ khó khăn như thế nào”, Washington nói. “Bạn phải tự tìm ra câu trả lời”.

Khoảng 90% trẻ em sinh năm 1940 có cuộc sống khá giả hơn cha mẹ mình, theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế Nathaniel Hendren thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và nhà kinh tế Raj Chetty thuộc Đại học Harvard, song hiện nay, chỉ khoảng 50% trẻ em sinh vào những năm 1980 có thể tự tin đạt cuộc sống như vậy. “Việc bạn kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình hay không vẫn còn là một ẩn số”, báo cáo nhấn mạnh.

“Giấc mơ Mỹ ngày càng khó đạt được nếu xét về cả cơ hội thành công lẫn thoát nghèo”, nhà kinh tế Raj Chetty nói.

Theo: WSJ

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/giac-mo-my-vo-vun-vi-lam-phat-a98436.html