EU lo ngại tổn hại từ chính sách thuế quan Mỹ nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử

Liên minh châu Âu (EU) ngày càng phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ và đang lo ngại bị tổn thương trước những cú sốc tiềm ẩn từ chính sách thương mại của ông Trump, một khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa tái đắc cử vào tháng 11 tới.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa có một “bí quyết” thương mại mà ông khẳng định sẽ không ngại sử dụng nếu tái đắc cử vào tháng 11 tới: đó là áp mức thuế quan chung lên tới 20% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Bắc Carolina hôm 21/10, Cựu Tổng thống Trump bày tỏ: “Ngoài tình yêu và tôn giáo, có một từ đẹp đẽ nhất: đó là thuế quan".

Chính ông Trump từng đe dọa sẽ đánh thuế 60% đối với các sản phẩm của Trung Quốc và áp thuế quan lên tới 200% đối với ô tô được sản xuất tại biên giới Mehico. Ông hy vọng công cụ thương mại này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tạo ra việc làm và thu hẹp thâm hụt liên bang thông qua nguồn thuế bổ sung từ nhập khẩu.Trong khi các đồng minh ở châu Âu lo ngại, thiệt hại do mức thuế quan mà ông Trump đưa ra có thể rất thảm khốc với các nhà xuất khẩu châu lục này.

EU lo ngại tổn hại từ chính sách thuế quan Mỹ nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử- Ảnh 1.

EU lo ngại tổn hại từ chính sách thuế quan Mỹ nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử.

Vậy liệu chính sách thuế quan có phần “cực đoan” đó có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ thương mại EU-Mỹ? Trên thực tế, đây là mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới, với khoảng 1000 tỷ euro hàng hóa và dịch vụ hàng năm. EU được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​thương mại hàng hóa, đạt thặng dư 156 tỷ euro chỉ riêng trong năm ngoái, so với mức thâm hụt 104 tỷ euro trong lĩnh vực dịch vụ.

Theo ước tính kinh tế cực đoan nhất, mức thuế suất chung 10% hoặc 20% sẽ khiến các công ty Mỹ phải trả nhiều chi phí hơn khi nhập khẩu hàng hóa từ EU, nghĩa là kim ngạch xuất khẩu của EU qua bờ Đại Tây Dương có thể giảm tới 1/3 ở một số lĩnh vực. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, các ngành như máy móc, xe cộ và hóa chất - chiếm tới 68% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ vào năm ngoái - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này sẽ khiến Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu, đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc, do nước này phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực này.

Theo ước tính của Goldman Sachs, mức thuế quan toàn diện 10% sẽ làm giảm 1% GDP của khu vực đồng euro. Những dự đoán cực đoan hơn cho rằng mức thuế của ông Trump sẽ khiến tăng trưởng của khu vực đồng euro giảm 1,5% vào năm 2028. Kịch bản như vậy sẽ đẩy nền kinh tế vốn đã chịu nhiều áp lực đến bờ vực suy thoái.

Các nhà phân tích dự đoán, trong trường hợp cựu Tổng thống Trump đắc cử, EU có thể sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo này trước khi lựa chọn áp dụng thuế quan trả đũa. Zach Meyers, chuyên gia từ Trung tâm cải cách châu Âu cho biết: "Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử Tổng thống, EU và các nước khác sẽ tìm cách tìm ra một giải pháp, trao đổi một lợi ích kinh tế hay thứ gì đó để chứng minh rằng ông đã đạt được thành công to lớn, chẳng hạn như các thỏa thuận mua hàng hóa của Mỹ".

Giới phân tích bình luận, nếu Tổng thống nhiệm kỳ tới là ông Donald Trump, rất có thể các cố vấn kinh tế của ông sẽ cân nhắc việc hạn chế tham vọng áp thuế quan cao để tránh nguy cơ bất ổn kinh tế trong nước, bởi lẽ việc làm này chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát tăng đột biến và các công ty nhập khẩu của Mỹ có thể quyết định chuyển chi phí thuế quan cho các nhà xuất - nhập khẩu.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/eu-lo-ngai-ton-hai-tu-chinh-sach-thue-quan-my-neu-cuu-tong-thong-trump-tai-dac-cu-a98691.html