Vì sao các dự án bất động sản ‘hồi sinh’ không thành?

Ngay cả khi các vướng mắc về pháp lý đã được gỡ thì áp lực về tài chính cùng với chi phí tài chính phát sinh trong khoảng thời gian tạm dừng “ăn mòn” hết lợi nhuận theo kế hoạch triển khai ban đầu cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án “hồi sinh” nhưng không thành công.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ từ cuối năm 2022 đến nay, một số dự án bất động sản đã tháo gỡ những nút thắt về pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai trở lại.

Trong thời gian vừa qua, nhiều dự án bất động sản từng bị đình trệ đã có dấu hiệu hồi sinh và trở lại cuộc đua thị trường. Những dự án tiêu biểu tái khởi động ở Hà Nội gồm có dự án Hanoi Melody Residences ở Linh Đàm và dự án QMS Top Tower tại Tố Hữu, dự án The Summit Building ở Trần Duy Hưng.

Vì sao các dự án bất động sản ‘hồi sinh’ không thành?- Ảnh 1.

Sau 1 năm "bất động", dự án Hanoi Melody Residences (Hoàng Mai, Hà Nội) tăng vọt lên 70 - 80 triệu đồng/m2, gấp 3 lần so với thời điểm hơn 1 năm trước.

Theo VARS, sự tái khởi động của các dự án này được thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý và cải thiện chính sách tài chính.

Theo dự báo, thị trường bất động sản Việt nam sẽ tiếp tục “tăng nhiệt” vào cuối năm 2024, đặc biệt là trong phân khúc căn hộ cao cấp, bất động sản du lịch và bất động sản công nghiệp. Nguồn cung nhà ở cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng do chính sách mới và các thương vụ M&A diễn ra mạnh mẽ.

Đặc biệt, theo quy định của Luật mới, nếu các chủ đầu tư để dự án “án binh bất động” liên tục trong 48 tháng sẽ đứng trước nguy cơ “mất trắng”, bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn, cũng khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và gấp rút với nỗ lực “tái khởi động dự án”.

Kế hoạch triển khai các dự án bất động vốn bị bỏ hoang trước đây cũng sẽ được thúc đẩy khi "cơn khát" về nhà ở đang không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa.

Bên cạnh , nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), trên cơ sở hành lang pháp lý mới đã được cải thiện, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch hơn và thuận tiện hơn.

Việc khôi phục các dự án bất động sản bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, VARS cho rằng để có thể “tái khởi động” thành công các dự án, không phải là điều đơn giản. Bởi lẽ đi kèm với nhiều khó khăn, thách thức. Ngay cả khi các vướng mắc về pháp lý đã được gỡ, thì áp lực về tài chính cũng là điều vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án “hồi sinh” nhưng không thành công.

Theo đó, việc các dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài thường phải đối mặt với sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng, khiến chi phí phục hồi rất lớn.

Cùng với chi phí tài chính phát sinh trong khoảng thời bị tạm dừng, “ăn mòn" hết lợi nhuận theo kế hoạch triển khai ban đầu.

Điều này khiến nhiều chủ đầu tư “hồi sinh” dự án rồi mở bán với giá chào mới tăng tới gấp đôi so với giai đoạn mở bán trước đó để có thể thu được lợi nhuận.

Mức giá tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp, khiến dự án không được thị trường chấp nhận và nhanh chóng “im hơi lặng tiếng".

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/vi-sao-cac-du-an-bat-dong-san-hoi-sinh-khong-thanh-a98746.html