Theo báo cáo tổng hợp từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong tháng 8/2024, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%.
Theo Tridge, công ty hàng đầu của Hàn Quốc về phân tích dữ liệu ngành nông nghiệp và thực phẩm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cau chính của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu tổng giá trị 5,13 triệu USD (hơn 130 tỷ đồng) sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT, cho biết cau chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Hiện tại, sản phẩm mới chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc theo hình thức trao đổi giữa cư dân biên giới. Chính vì vậy, sản phẩm này vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, do nguồn cung hạn chế nên Việt Nam cũng tăng nhập khẩu cau. Trong tháng 8/2024, nhập khẩu cau đạt gần 3,3 triệu USD, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2024 các thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra gần 9 triệu USD để nhập khẩu cau (tương đương 225 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu cau tăng vọt 324%.
Với con số trên, cau đứng thứ 15 và chiếm 0,78% giá trị nhập khẩu nhóm quả và hạch quả nhập khẩu về Việt Nam trong 8 tháng năm nay, tăng 0,37 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện, cau được sử dụng như một vị thuốc quý. Trong Đông y, cau là vị thuốc để chữa một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá, ngăn ngừa thiếu máu, chữa dị ứng ngoài da, chống viêm họng và giữ ấm cơ thể...
Ngoài ra, cau non còn được sử dụng để sản xuất kẹo và là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn. Loại kẹo cau rất phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là vùng lạnh nhờ có công dụng chống viêm họng và giữ ấm cơ thể.