Đầu tư công tại TPHCM khi có bảng giá đất mới: Nhiều kỳ vọng, lắm nỗi lo

Lãnh đạo TPHCM khẳng định bảng giá đất mới ban hành, có hiệu lực từ 31/10 tới sẽ giải quyết điểm nghẽn về giải ngân đầu tư công bằng việc tăng giá bồi thường, từ đó đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế có thể khác...

Người dân hưởng lợi

Đường Vành đai 2 là dự án đầu tiên mà TPHCM sẽ áp dụng phương án bồi thường theo bảng giá đất mới và Luật Đất đai 2024. Hôm 28/10, UBND TP Thủ Đức công bố dự thảo Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và dự án thành phần 1, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng.

Dự án này có 1.166 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 61 ha với tổng số vốn bồi thường, hỗ trợ khoảng 7.600 tỷ đồng.

Từ nay đến ngày 27/11, UBND TP Thủ Đức tổ chức niêm yết dự thảo Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tại trụ sở UBND các phường, ban điều hành khu phố nơi có dự án. Nếu mọi việc tiến hành thuận lợi thì chính quyền địa phương sẽ bắt đầu giải ngân từ đầu tháng 12 để chi trả tiền bồi thường cho những hộ dân đầu tiên.

Là một hộ dân có đất trong vùng dự án Vành đai 2, ông Mai Văn Chiểu (ngụ khu phố 15, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) cho biết, người dân cơ bản đồng tình với phương án bồi thường của TP Thủ Đức đưa ra. Từ nay đến cuối tháng 11, các hộ dân khác cũng sẽ có kiến nghị. Tùy mỗi trường hợp cụ thể mà cơ quan chức năng giải quyết tiếp, làm sao để hài hòa lợi ích cho người dân.

Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, khẳng định, dự thảo giá đất Thủ Đức đưa ra cao hơn từ 30 - 97% so với bảng giá đất mới của TPHCM vừa công bố. Điển hình như đất ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, vị trí 1 có mức giá bồi thường hơn 111 triệu đồng/m2 (cao hơn bảng giá đất mới 22 triệu đồng/m2), vị trí 1 đường Kha Vạn Cân có mức giá hơn 101 triệu đồng/m2 (cao hơn 36,2 triệu đồng/m2)…

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đường Vành đai 2 là dự án đầu tiên tại TP Thủ Đức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai 2024. Dự án này chú trọng, đặt quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp lên trên hết.

“TP Thủ Đức, các đơn vị tư vấn thẩm định giá cùng các chuyên gia xác định đơn giá bồi thường hiện nay đã tiệm cận với giá thị trường, theo mong muốn của người dân. Với mức giá bồi thường cho dự án Vành đai 2 vừa được công bố, TP Thủ Đức hy vọng mức giá này đáp ứng được đa số mong muốn của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi dự án”, ông Tùng nói.

Đầu tư công tại TPHCM khi có bảng giá đất mới: Nhiều kỳ vọng, lắm nỗi lo- Ảnh 1.

Đường Vành đai 2 là dự án đầu tiên mà TPHCM sẽ áp dụng phương án bồi thường theo bảng giá đất mới. Ảnh: Phạm Nguyễn

So bì, đòi giá cao...

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp bị “treo” hơn 20 năm qua khiến vốn đầu tư của dự án từ 123,5 tỷ đồng ban đầu (phê duyệt năm 2002) đội lên hàng trăm lần. Một trong những vướng mắc kéo dài là khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời không đồng thuận với giá bồi thường, chính sách hỗ trợ di dời.

Dự án này có tổng số 2.215 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, quận Gò Vấp có 138 trường hợp và quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng. Sau nhiều lần điều chỉnh, mới đây nhất, HĐND TPHCM tăng vốn đầu tư dự án thêm 7.560 tỷ đồng (từ 9.660 tỷ đồng lên 17.220 tỷ đồng).

Lý giải việc tổng mức đầu tư của dự án tăng hơn 7.500 tỷ đồng, tờ trình của UBND TPHCM cho biết, vừa qua quận Gò Vấp và Bình Thạnh dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo Luật Đất đai mới với gần 14.000 tỷ đồng, chi phí này đã tăng hơn 7.300 tỷ đồng so với dự toán trước đây.

Theo Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp, dự án đi qua địa bàn quận dài khoảng 1,3 km, có 138 trường hợp ảnh hưởng bởi dự án. Tổng kinh phí bồi thường ban đầu hơn 354 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Luật Đất đai 2024 có thay đổi về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổng dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự kiến tăng lên 670 tỷ đồng. Đến ngày 9/10, quận Gò Vấp đã chi trả bồi thường cho 39 trường hợp với số tiền gần 109 tỷ đồng.

Dự kiến trong tháng 12, quận sẽ hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công.

Liên quan đến dự án này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, sau khi 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chủ đầu tư sẽ phối hợp giải ngân toàn bộ vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng 9.300 tỷ đồng trong tháng 12.

Vừa qua, kiểm tra thực tế dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Chánh tiếp tục gặp gỡ, phân tích cặn kẽ, hợp lý để người dân thấy rõ giữa phương án bồi thường của Nhà nước và mức giá bồi thường của doanh nghiệp đưa ra như hiện nay cùng những khoản hỗ trợ khác thì người dân có lợi hơn so với giá bồi thường của Nhà nước để đạt được sự đồng thuận từ người dân.

Rạch Xuyên Tâm là một trong những dự án hiếm hoi được khơi thông điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng sau khi có sự điều chỉnh về chính sách bồi thường theo chỉnh sách giá mới theo quy định tại Luật đất đai 2024.

Theo một số chuyên gia, thực tế, TPHCM đang có hàng chục dự án, công trình chậm tiến độ, thậm chí “đắp chiếu” vì vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Với bảng giá đất mới vừa ban hành, nhiều trường hợp thuộc diện giải tỏa không đồng tình với đơn giá bồi thường trước đây sẽ càng kiên quyết không bàn giao mặt bằng với hy vọng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét lại, nâng giá bồi thường (như trường hợp dự án rạch Xuyên Tâm) để tránh thiệt thòi.

Quốc lộ 50 là tuyến đường huyết mạch kết nối TPHCM với các tỉnh, Long An, Tiền Giang nhưng đoạn qua huyện Bình Chánh (TPHCM) chỉ có 2 làn xe. Đường chật hẹp, lưu lượng phương tiện đông đúc, thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc.

Cuối tháng 12/2022, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50 được khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, vướng mắc liên quan vấn đề mặt bằng đang khiến dự án này trễ hẹn.

Theo ghi nhận của PV, tại công trình đường song hành, một số đoạn vẫn còn ngổn ngang. Dự án đang vướng giải tỏa 11 hộ dân tại 2 doanh nghiệp, gồm: Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Gia Hòa (3 hộ với 600m2 đất) và Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (8 hộ với 2.000 m2) và 16 hộ dân khác tại các gói Xây lắp 5, 6, 7.

Theo lãnh đạo Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Gia Hòa, việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc vì các hộ dân đòi mức bồi thường cao gấp 5, thậm chí đến 10 lần. Doanh nghiệp đã thương lượng nhưng 3 hộ dân không đồng ý vì cho rằng giá trị đất không ngang bằng với giá đất ở khu dân cư. Các hộ dân có đất nông nghiệp cũng yêu cầu tính theo giá đất ở.

Ông Phạm Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc, cho biết. Dù đã nỗ lực tiếp xúc, vận động, nhưng 8 hộ dân đang yêu cầu bồi thường với giá rất cao so với phương án bồi thường được duyệt, dù phía doanh nghiệp chấp thuận hỗ trợ thêm ngoài phương án.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/dau-tu-cong-tai-tphcm-khi-co-bang-gia-dat-moi-nhieu-ky-vong-lam-noi-lo-a99074.html