Trung Quốc tăng nhập sầu riêng, cau Việt Nam

Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu với giá trị 2,58 tỉ USD (chiếm gần 92% thị phần), tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Ngày 29-10, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dẫn số liệu từ hải quan cho biết đến hết tháng 9, Việt Nam đã xuất được 2,81 tỉ USD sầu riêng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9, xuất khẩu loại quả này thu về gần 630 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay do sầu riêng Tây Nguyên vào vụ và có giá trị cao.

Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu với giá trị 2,58 tỉ USD (chiếm gần 92% thị phần), tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường thứ 2 là Thái Lan với 133 triệu USD, tăng 85%; Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường thứ 3 với 23 triệu USD, tăng 17%. Trong tốp 10 thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nhiều nhất, Campuchia là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, gấp gần 16 lần cùng kỳ, với giá trị gần 2,7 triệu USD; Papua New Guinea tăng 2,6 lần với gần 21 triệu USD.

Dự báo cả năm 2024, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt gần 4 tỉ USD

Dự báo cả năm 2024, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt gần 4 tỉ USD

Ông Nguyên dự báo cả năm 2024, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt gần 4 tỉ USD do có thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh đã được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch.

Hiện tại, sầu riêng đã chuyển sang thu hoạch vụ nghịch tại ĐBSCL với giá bán rất cao khi sầu riêng Monthong có giá 160.000 đồng/kg (loại A) và Ri 6 giá 145.000 đồng/kg (loại A).

Cũng trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc tăng mua cau của Việt Nam lên hơn 2,2 lần với giá trị 27,3 triệu USD do vùng trồng nội địa ở đảo Hải Nam gặp bão, mất mùa nặng. Trung Quốc chiếm gần 94% thị phần cau xuất khẩu của Việt Nam nên ông Nguyên cho rằng việc phát triển cây cau xuất khẩu là không bền vững.

Cau là loại quả được nhập khẩu để phục vụ người ăn trầu cau là chính và hiện Trung Quốc chỉ còn 50-60 triệu người dân còn dùng món ăn vặt truyền thống này. Các mặt hàng chế biến như kẹo cau sử dụng cau không nhiều và cũng phục vụ người ăn trầu cau là chính nên thị phần khá hẹp. Do đó, cau là cây để trồng xen, trồng bờ rào tạo cảnh quan hơn là một loại cây kinh tế.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/trung-quoc-tang-nhap-sau-rieng-cau-viet-nam-a99120.html