Lần đầu có một doanh nghiệp Việt xuất khẩu ô tô sang Thái Lan - chiều ngược lại thế nào?

Ô tô có xuất xứ Thái Lan được người dùng tại Việt Nam chọn mua nhiều nhất trong những năm qua.

Lần đầu có một doanh nghiệp Việt xuất khẩu ô tô sang Thái Lan - chiều ngược lại thế nào?- Ảnh 1.

Hyundai Palisade là mẫu xe du lịch đầu tiên lắp ráp tại Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan.

Hyundai Thành Công mới đây công bố xuất khẩu lô xe 110 chiếc Palisade sang Thái Lan, đánh dấu lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt "ngược dòng" xuất khẩu ô tô sang Thái. Giai đoạn 2024-2025, đơn vị này dự kiến xuất khẩu khoảng 4.000 xe sang xứ Chùa Vàng.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Thái Lan là một trong những thị trường chính cung cấp ô tô nhập khẩu cho Việt Nam trong nhiều năm qua, đơn vị tính bằng chục nghìn chiếc, trị giá hàng tỷ USD mỗi năm.

Cụ thể, trong số 11 nước và vùng lãnh thổ Việt Nam đang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, xe xuất xứ từ Thái Lan luôn là một trong những thị trường đứng top đầu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, Việt Nam nhập khẩu 8.479 ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan, trị giá 166 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi ra 923 triệu USD để nhập khẩu 47.580 ô tô từ Thái Lan, tăng 11% về lượng và tăng 4,3% về giá trị.

Trước đó, trong năm 2023, ô tô sản xuất tại Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đạt 53.942 xe với giá trị kim ngạch hơn 1,14 tỷ USD. Lượng xe nhập từ Thái Lan chiếm 45,35% về lượng và chiếm 40,46% về giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước. Giá trị đơn chiếc trung bình của xe nhập khẩu từ Thái Lan là khoảng 21.100 USD/chiếc (khoảng 530 triệu đồng/chiếc).

Nhìn lại 5 năm gần đây, sản lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan đều chiếm vị trí số 1 và kim ngạch luôn đạt hơn 1 tỷ USD. Riêng năm 2022, Thái Lan đứng vị trí thứ 2 sau Indonesia về số lượng nhưng vẫn có tổng giá trị đứng thứ 1.

Rất nhiều mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan được người Việt quan tâm và ưa chuộng như Toyota Corolla Cross, Camry, Corolla Altis,  Honda HR-V, Honda Civic, Honda Accord, Ford Everest, Forester Subaru... Một số trong đó thường đạt doanh số cao và lọt top xe bán chạy trong tháng.

Lần đầu có một doanh nghiệp Việt xuất khẩu ô tô sang Thái Lan - chiều ngược lại thế nào?- Ảnh 2.

Giá rẻ là một lợi thế rất rõ ràng của ô tô nhập khẩu Thái Lan. Các loại ô tô nhập khẩu từ nguồn cung này hoàn toàn đủ điều kiện về nội địa hóa đều được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Do đó, từ thời điểm thuế nhập khẩu ô tô CBU từ các nước khu vực Đông Nam Á giảm về 0%, hàng loạt hãng xe đã chuyển sang nhập khẩu Thái Lan thay vì tiếp tục lắp ráp trong nước, khiến thị trường Việt Nam trở thành đích tiêu thụ sản phẩm.

Thái Lan được xem là "Detroit của Đông Nam Á", công xưởng sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới, lợi thế quy mô khiến giá xe xuất từ nhà máy ở đây giảm đáng kể, khó có nơi nào cạnh tranh nếu cũng lắp ráp. Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô xuất khẩu, do đó giá xe càng có lợi cho các hãng nếu nhập từ Thái. 

Hầu hết xe nhập khẩu từ Thái Lan đều mang các thương hiệu Nhật Bản, một trong những thương hiệu hàng đầu mà người Việt ưa chuộng. Trong khi đó, phần lớn ô tô mang thương hiệu Hàn Quốc vẫn được sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam. Vì vậy, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ở Việt Nam như Toyota, Honda hay Ford đều lựa chọn nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/lan-dau-co-mot-doanh-nghiep-viet-xuat-khau-o-to-sang-thai-lan-chieu-nguoc-lai-the-nao-a99276.html