Những lợi thế đáng gờm của BRICS so với G7

Sự phát triển nhanh chóng của BRICS đặt ra thách thức đối với nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Mỹ dẫn đầu.

BRICS hiện có 10 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 45% dân số thế giới với quy mô kinh tế chiếm hơn 37% GDP toàn cầu, gấp 2,5 lần quy mô của EU.

Sự mở rộng của BRICS có khả năng định hình lại bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu khi nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi được định vị là khối đối trọng với G7 nhờ những lợi thế đáng gờm.

Dầu khí

Các thành viên BRICS, bao gồm Nga, UAE và Iran, chiếm 43% trữ lượng dầu đã biết trên thế giới và 30% sản lượng dầu toàn cầu.

Nguyên liệu thô

Nga sở hữu các nguồn nguyên liệu thô dồi dào. Trung Quốc khiến Mỹ phải dè chừng với năng lực chế biến phần lớn kim loại đất hiếm trên thế giới, đặc biệt là nguyên liệu cần thiết trong sản xuất xe điện và chip máy tính. Tính đến năm 2024, BRICS kiểm soát khoảng 72% trữ lượng kim loại đất hiếm của thế giới.

Trong khi đó, nguyên liệu thô là điểm yếu của G7. Trong khi Mỹ tự chủ phần lớn hầu hết các nguyên liệu thô, thì châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Nga.

Con người

Nguồn lực lớn nhất mà BRICS có là con người. Chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ có 2,5 tỷ người, chiếm 1/3 dân số thế giới. Với 150 triệu người, Nga cũng là thị trường tiêu dùng lớn nhất ở châu Âu. Brazil với 217 triệu người, chiếm 1/3 dân số châu Mỹ Latinh và cũng là quốc gia đông dân nhất châu lục này.

Nam Phi là ngoại lệ với dân số chỉ 64 triệu người, chiếm khoảng 4,7% tổng dân số châu Phi là 1,4 tỷ người. Nhưng Nam Phi là một trong những nền kinh tế phát triển nhất ở châu Phi. Sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng của châu Phi, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào sánh ngang với Nga, đang khiến Nam Phi ngày càng hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới.

Các nước G7 chỉ chiếm khoảng 10% dân số toàn cầu, với 770 triệu người. Hơn nữa, Mỹ và EU đang phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng nghiêm trọng. Không một thành viên nào của EU có tổng tỷ suất sinh 2,1 con/phụ nữ. Các nước trong khối ngày càng phụ thuộc vào lao động nhập cư.

Tỷ lệ sinh ở các thị trường mới nổi lớn cũng có biến động. Dân số Ấn Độ ổn định với tổng tỷ suất sinh là 2, trong khi dân số Trung Quốc giảm đáng báo động với tỷ lệ sinh chỉ là 1,2. Brazil giảm xuống 1,6 trong khi Nam Phi tăng lên 2,2.

Xét theo khu vực, các nước G7 đang phải chịu tình trạng dân số giảm, trong khi châu Mỹ Latinh ổn định với tỷ lệ sinh là 2, châu Á tăng trưởng chậm với 2,2 và châu Phi dẫn đầu thế giới với 4,2.

Tăng trưởng

Các quốc gia BRICS ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn G7. Kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua, đạt trên 6-7% hàng năm, mặc dù Trung Quốc đã đạt mức tối đa và dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Ấn Độ hiện đang duy trì là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Brazil, Nam Phi và Nga gần tăng trưởng chậm hơn, nhưng vẫn nhanh hơn G7. Ba nền kinh tế lớn ở châu Âu – Đức, Pháp và Ý – dự kiến sẽ suy giảm năm thứ 2 liên tiếp trong năm nay. Châu Âu đang gặp rắc rối vì đã mất đi lợi thế cạnh tranh và hiện đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc, cựu Thủ tướng Ý kiêm cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết.

Tổng cộng, 10 quốc gia BRICS+ chiếm 35,6% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP), cao hơn G7 với 30,3% nhưng vẫn thấp hơn một chút khi tính theo GDP danh nghĩa.

Công nghệ

Phương Tây đã giữ vững vị trí dẫn đầu trong thời gian dài nhờ công nghệ vượt trội, nhưng khoảng cách với các thị trường mới nổi đang dần thu hẹp. Năm ngoái, Trung Quốc đã nộp 6 triệu bằng sáng chế, Mỹ 3 triệu, trong khi tất cả các thành viên EU chỉ nộp tổng cộng 400.000.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Nhưng một báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết chúng đã phản tác dụng và thúc đẩy sự đổi mới tại Trung Quốc, đưa nước này từ nhập khẩu ròng công nghệ sang xuất khẩu ròng.

Theo Intellinews

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/nhung-loi-the-dang-gom-cua-brics-so-voi-g7-a99282.html