Intel lỗ kỷ lục hơn 16 tỷ USD: Nỗi buồn lớn nhất trong lịch sử 56 năm

CEO Gelsinger mô tả con số hơn 16 tỷ USD là cần thiết vì Intel đang cải tổ lại bộ máy sản xuất.

Intel lỗ kỷ lục hơn 16 tỷ USD: Nỗi buồn lớn nhất trong lịch sử 56 năm- Ảnh 1.

Intel vừa ghi nhận khoản lỗ ròng đáng kinh ngạc 16,6 tỷ USD trong quý gần nhất, song phía Tổng giám đốc điều hành Pat Gelsinger vẫn khẳng định quá trình cải tổ đang bước đầu đạt hiệu quả.

Khoản lỗ —lớn nhất trong lịch sử 56 năm của công ty—vượt xa mức lỗ 1,1 tỷ USD mà các nhà phân tích dự đoán trước đó trong một cuộc khảo sát của FactSet. Cùng lúc đó, doanh thu của Intel trong quý là 13,3 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn một chút so với dự báo của Phố Wall.

Các nhà đầu tư đã nắm bắt tin tức tích cực này, qua đó đẩy cổ phiếu của Intel tăng khoảng 8%.

Theo đại diện Intel, khoản lỗ phản ánh các khoản phí liên quan đến kế hoạch cắt giảm chi phí liên tục và khấu hao nhanh một số tài sản. Trong một cuộc phỏng vấn, Gelsinger mô tả con số hơn 16 tỷ USD là cần thiết vì tính thay đổi toàn diện.

“Việc tái cấu trúc phần lớn đã hoàn thành trong quý này”, ông nói. “Còn rất nhiều việc phải làm và chúng tôi tự hào về công việc đó”.

Intel cho biết kỳ vọng doanh thu trong quý hiện tại sẽ đạt từ 13,3 tỷ USD đến 14,3 tỷ USD so với kỳ vọng của các nhà phân tích là khoảng 13,7 tỷ USD. Hãng cũng làm rõ quy mô các đợt sa thải theo kế hoạch được công bố vào đầu năm nay, dự đạt đến 16.500 nhân sự, tăng so với mục tiêu trước đó là khoảng 15.000.

Lần tái cấu trúc lớn gần đây nhất của Intel được công bố vào năm 2016, khi công ty cắt giảm tới 12.000 việc làm, tương đương 11% lực lượng lao động.

“Việc cắt giảm đã thách thức tôi đến tận cùng, và đây là điều khó khăn nhất mà tôi từng làm trong sự nghiệp của mình”, ông Gelsinger viết trong thư và cam kết rằng Intel sẽ ưu tiên văn hóa trung thực, minh bạch và tôn trọng.

Gelsinger trước đó đã thề sẽ vực dậy Intel sau khi công ty tụt hậu trong cuộc đua tạo ra những con chip tính toán mạnh mẽ nhất. Mọi kế hoạch đang được lên nỗ lực mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách công nghệ, đồng thời mở rộng mạng lưới nhà máy sản xuất chip của Intel. Intel đặt mục tiêu nội bộ là trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới vào năm 2030.

Gelsinger nhanh chóng gặp phải những thách thức. Việc mua PC trong thời kỳ đại dịch đã giảm dần khi mọi người quay trở lại với các mô hình làm việc thông thường. Intel rõ ràng đã bỏ lỡ một cuộc cách mạng điện toán mới - chip cung cấp năng lượng cho trí tuệ nhân tạo.

Intel sản xuất chip AI, được gọi là Gaudi, nhưng tốc độ tiếp nhận chậm hơn dự kiến đồng nghĩa với việc công ty sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu 500 triệu USD trong năm nay. Các nhà phân tích cũng chất vấn ông Gelsinger về tiến độ mảng kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng của công ty, vốn đang phải vật lộn để thu hút các khách hàng lớn.

Để mở rộng sản xuất, Intel đang dựa vào các khoản tài trợ của chính phủ lên tới 11,5 tỷ USD từ Đạo luật Chips năm 2022. Công ty vẫn đang thảo luận các điều khoản cuối cùng. “Chúng tôi rất mong điều đó sớm được hoàn thành”.

Năm ngoái, Intel cắt giảm cổ tức trong bối cảnh chi tiêu tốn kém. Năm nay, công ty hủy bỏ hoàn toàn chi trả cổ tức khi bắt đầu sa thải nhân viên và thực hiện các biện pháp khác nhằm tiết kiệm hơn 10 tỷ USD vào năm tới. Những cuộc đấu tranh đã làm giảm hơn một nửa giá trị định giá của Intel trong năm nay, xuống dưới 100 tỷ USD.

“Chúng tôi cũng đang giảm chi phí cốt lõi trong năm 2022 và sẽ xem xét thực hiện các kế hoạch bổ sung trong nửa cuối năm”, CEO Pat Gelsinger cho biết.

Một số nhà phân tích và nhà đầu tư hiện đang thúc giục Intel chia tách hoàn toàn mảng thiết kế chip khỏi mảng sản xuất. Gelsinger phản đối, song âm thầm tách biệt dần 2 lĩnh vực.

Gelsinger cho biết những nỗ lực để bắt kịp công nghệ sản xuất chip đang đi đúng hướng. Tháng trước, Intel đã đạt được thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Amazon.com để sản xuất chip mạng AI cho đơn vị điện toán đám mây của gã khổng lồ công nghệ.

Dẫu vậy, nhà sản xuất chip của Mỹ vẫn còn kém xa đối thủ Nvidia, thậm chí là AMD, trên thị trường toàn cầu về bán chip AI. Bản thân công ty đã bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của các giám đốc điều hành chủ chốt, sa thải và giá cổ phiếu lao dốc.

Để so sánh, trong năm qua, Nvidia tăng thêm 1,4 nghìn tỷ USD vào vốn hóa thị trường. Ngược lại, Intel mất khoảng 70 tỷ USD và hiện chỉ được định giá ở mức 83 tỷ USD.

Theo: WSJ, The NY Times

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/intel-lo-ky-luc-hon-16-ty-usd-noi-buon-lon-nhat-trong-lich-su-56-nam-a99528.html