Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).
Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Theo Lao Động, từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Lý do nhà trường đưa ra là bởi qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường này không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Kể từ năm 2022 trở về trước, trường cũng chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, trường cũng đã bỏ yêu cầu này.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, cho biết, những năm trước, điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm 2025, trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức này.
Lý do là theo chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển này không còn phù hợp. Thay vào đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025.
Tương tự, Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng cho biết, sẽ bỏ 2 cách xét tuyển từ năm 2025 gồm ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên, thống nhất chỉ còn 3 phương thức tuyển sinh. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh của 149 trường THPT trong cả nước, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.
Hiện một số trường tuy chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025, nhưng vẫn thống nhất quan điểm “nói không” với xét tuyển bằng học bạ, chẳng hạn như Trường Đại học Y Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số trường cũng dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu với phương thức xét tuyển học bạ trong năm 2025, chẳng hạn như: Trường Đại học Công Thương Tp.HCM (dành khoảng 20% chỉ tiêu, giảm 10% so với năm 2024).
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường quyết định không xét tuyển học bạ là bởi lo ngại điểm học bạ của các trường cấp 3 thường không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc không đảm bảo công bằng trong xét tuyển đầu vào.
Về phía Bộ GD-ĐT, trước đó tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này.
Học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại. Ngoài ra, việc này khiến số chỉ tiêu còn lại để tuyển sinh sẽ ít, khiến điểm chuẩn rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện các trường đại học sử dụng hơn 20 cách xét tuyển khác nhau. Điều này là bởi Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhiều lần khuyến khích các trường dùng điểm tốt nghiệp THPT để xét đầu vào bởi cho rằng có độ tin cậy, bớt tốn kém, đảm bảo công bằng.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tu-nam-2025-nhieu-truong-dai-hoc-lon-bo-xet-tuyen-hoc-ba-a99600.html