Bầu cử tổng thống Mỹ và cơn ác mộng với Iran

Các lãnh đạo của Iran và đồng minh đang chuẩn bị cho điều mà họ coi là kết quả “khủng khiếp” từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới: ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Bầu cử tổng thống Mỹ và cơn ác mộng với Iran- Ảnh 1.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Trump và đối thủ Kamala Harris vẫn đang cạnh tranh quyết liệt.

Giới lãnh đạo Iran và các đồng minh của họ ở Li-băng, Iraq và Yemen lo ngại ông Trump sẽ giành chiến thắng vào ngày 5/11 và điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn với họ.

Theo các quan chức Iran, Ả-rập và phương Tây, mối quan tâm chính của Iran hiện nay là nguy cơ ông Trump sẽ ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, tiến hành các vụ ám sát vào mục tiêu cấp cao và thực hiện chính sách gây sức ép tối đa thông qua việc tăng cường trừng phạt ngành công nghiệp dầu mỏ của họ.

Họ dự đoán rằng ông Trump sẽ gây sức ép tối đa lên Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei để ép ông chấp nhận thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân theo những điều khoản mà Mỹ và Israel đặt ra.

Sự thay đổi chính quyền ở Mỹ có thể mang lại những tác động sâu rộng đến cán cân quyền lực ở Trung Đông và có thể định hình lại chính sách đối ngoại và triển vọng kinh tế của Iran.

Các nhà phân tích tin rằng dù bà Harris hay ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tuần tới, Iran sẽ không còn đòn bẩy như trước đây, vì chiến dịch quân sự suốt 1 năm qua của Israel đã làm suy yếu các lực lượng ủy nhiệm của Tehran, bao gồm Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Li-băng.

Tuy nhiên, lập trường của ông Trump được coi là có hại với Iran hơn do quan điểm ủng hộ Israel mạnh mẽ.

"Ông Trump sẽ đặt ra những điều kiện rất khắt khe với Iran hoặc để Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này. Ông ấy hoàn toàn ủng hộ hành động quân sự chống lại Iran", Abdelaziz al-Sagher, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh, nhận định.

"Ông Trump trở lại Nhà Trắng là ngày trong mơ với ông Netanyahu”, ông nói với Reuters.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Iran cho biết Tehran "đã chuẩn bị cho mọi tình huống. Chúng tôi (lâu nay) liên tục tìm ra cách để xuất khẩu dầu, tránh các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ, và đã củng cố mối quan hệ của chúng tôi với phần còn lại của thế giới bất kể ai ở Nhà Trắng".

Tuy nhiên, một quan chức Iran khác cho biết chiến thắng của Trump sẽ là "cơn ác mộng”.

“Ông ấy sẽ gây áp lực lên Iran để làm hài lòng Israel... đảm bảo các lệnh trừng phạt dầu mỏ được thực thi đầy đủ. Nếu vậy, chúng tôi sẽ bị tê liệt về mặt kinh tế", vị quan chức cho biết.

Chén thánh tẩm độc

Trong bài phát biểu vận động cử tri vào tháng 10 vừa qua, ông Trump cho biết ông không muốn gây chiến với Iran, nhưng nói rằng Israel nên "tấn công cơ sở hạt nhân của Iran trước rồi lo phần còn lại sau", để đáp trả vụ Iran phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo vào Israel ngày 1/10.

Kết quả là, với sức ép của chính quyền Biden, Israel trả đũa bằng chiến dịch không kích nhiều mục tiêu quân sự của Iran, đặc biệt là các địa điểm sản xuất tên lửa, vào ngày 26/10.

Giới phân tích cho rằng Iran có rất ít lựa chọn trong tương lai.

"Thực tế là ông Trump sẽ ủng hộ ông Netanyahu và bật đèn xanh cho ông ta làm bất cứ điều gì ông ta muốn. Đối với Iran, ông Trump tệ hơn nhiều (so với bà Harris)", Hassan Hassan, một tác giả và nhà nghiên cứu về các nhóm Hồi giáo cho biết.

Theo nhà nghiên cứu này, tình hình hiện nay thực sự tồi tệ với Iran, khi họ bị cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ coi là vấn đề.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Harris gọi Iran là một thế lực " nguy hiểm " đang "gây bất ổn" ở Trung Đông, đồng thời cam kết bảo vệ an ninh cho Israel. Bà cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn "hành vi hung hăng" của Iran.

Nhưng khả năng ông Trump tái đắc cử sẽ trở thành "chén thánh bị tẩm độc" đối với Đại giáo chủ Khamenei, 2 quan chức khu vực cho biết.

Nếu chính quyền Trump 2.0 tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, ông Khamenei có thể buộc phải đàm phán và chấp nhận một hiệp ước hạt nhân với các điều khoản mà Mỹ và Israel đặt ra để có thể giữ được chế độ, các chuyên gia nhận định.

Một hiệp ước quốc phòng giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út đi kèm với việc Riyadh thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel cũng sẽ tạo nên thách thức đáng kể đối với ông Khamenei. Hiệp ước này đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Một liên minh như vậy chắc chắn sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, tạo nên mặt trận thống nhất hơn chống lại Iran, tác động đến vị thế địa chính trị và chiến lược của nước này ở Trung Đông.

Theo Reuters

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/bau-cu-tong-thong-my-va-con-ac-mong-voi-iran-a99730.html