Quan sát và bình luận: Ba cặp xung khắc thương mại

Xét về kim ngạch thương mại, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tạo thành nhóm xứng đáng được gọi là các "cường quốc thương mại thế giới".

Ba cặp đối tác thương mại song phương diễn biến theo chiều hướng nào cũng luôn tác động rất mạnh mẽ, ảnh hưởng rất sâu rộng tới thương mại và chính trị thế giới.

Trước khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ vào đầu năm 2017, cả ba cặp quan hệ thương mại song phương này về cơ bản không quá trắc trở. Nhưng rồi từ năm 2018, ông Trump đã đẩy nước Mỹ vào cuộc xung khắc thương mại chưa từng có với Trung Quốc và EU. 

Cũng bắt đầu từ thời điểm ấy, EU phát động cuộc cạnh tranh chiến lược tương tự với Trung Quốc. Ba cuộc xung khắc này ngày càng quyết liệt, chỉ thỉnh thoảng giảm gay cấn nhất thời và gần như hoàn toàn thiếu vắng triển vọng khắc phục dứt điểm, ổn thỏa và lâu bền.

Mới đây nhất, EU bắt đầu thực thi quyết sách áp thuế quan bảo hộ tới hơn 38% đối với các loại xe điện của Trung Quốc hoặc được nước ngoài chế tạo tại Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường EU. Trung Quốc cho tới nay chưa đáp trả nhưng chắc chắn sẽ làm vậy trong tương lai. 

Trong khi đó, cặp xung khắc thương mại Mỹ - EU và Mỹ - Trung Quốc lại không biến động nhiều do cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 5-11 tới ở Mỹ.

Xe điện Trung Quốc tại cảng Zeebrugge (Bỉ) hôm 24-10. Ảnh: REUTERS

Xe điện Trung Quốc tại cảng Zeebrugge (Bỉ) hôm 24-10. Ảnh: REUTERS

Quan hệ chính trị cũng như thương mại của Mỹ với EU và Trung Quốc không phải là chủ đề nổi bật và quyết định trong các cuộc bầu cử này nên phía Đảng Dân chủ với ứng viên tổng thống là bà Kamala Harris không tận dụng được nhiều từ việc gia tăng hay giảm xung khắc thương mại của Mỹ với Trung Quốc và EU. 

Cả ông Trump trong tư cách ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa cũng không thu về lợi ích đáng kể nếu tập trung vào nội dung này trong vận động tranh cử.

Nhưng sau ngày 5-11 tới sẽ khác!

Ba cặp xung khắc thương mại trên có nhiều điểm giống nhau về mục đích các bên nhắm tới và cả cách thức các bên vận dụng. 

Tất cả đều muốn tạo dựng và duy trì mọi lợi thế thương mại. Mỹ và EU muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh tìm cách duy trì xuất siêu. 

Cả ba cáo buộc lẫn nhau về bù trợ xuất khẩu, áp dụng rào cản thương mại, phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp bên ngoài vào thị trường của họ để sản xuất và kinh doanh. Bên nào cũng cáo buộc hai bên kia bảo hộ thương mại, cạnh tranh không công bằng, vi phạm các nguyên tắc và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mậu dịch tự do. 

Cả ba đều sử dụng thuế quan bảo hộ thương mại làm vũ khí. Cả ba đều vừa chủ ý tỏ thiện chí đàm phán vừa thể hiện quyết tâm leo thang xung khắc thương mại. Cả ba đều tăng cường kiểm soát xuất khẩu và nhập khẩu nhưng không dám xô đẩy nhau vào chiến tranh thương mại.

Mục đích của cả ba là trang trải nhu cầu đối nội và giữ thể diện, cũng như giảm mức độ lệ thuộc vào đối tác. Nhưng mục tiêu bao trùm là kiềm chế lẫn nhau để vươn tới vị thế hàng đầu thế giới về kinh tế, thương mại, kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao, từ đó gây dựng và duy trì ảnh hưởng chi phối và dẫn dắt cả thế giới.

 Xung khắc thương mại chỉ là một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa họ và chỉ là một trong những công cụ, phương cách thực thi cuộc cạnh tranh ấy. 

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/quan-sat-va-binh-luan-ba-cap-xung-khac-thuong-mai-a99906.html