Sở hữu công nghệ chế biến hiện đại bậc nhất thế giới, 'kho vàng' này mang về gần 3 tỷ USD từ đầu năm - Nhật, Mỹ tranh mua

Admin

Hết 9 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về 2,8 tỷ USD.

Sở hữu công nghệ chế biến hiện đại bậc nhất thế giới, 'kho vàng' này mang về gần 3 tỷ USD từ đầu năm - Nhật, Mỹ tranh mua- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm nay, trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, tôm là mặt hàng mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, tính đến 15/9/2024, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam với 529 triệu USD, tăng 26%. Xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 516 triệu USD, tăng 8% và là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam. Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 3 với hơn 342 triệu USD, giảm 1%, tuy nhiên mức giảm này đã thấp hơn so với đầu năm. Xuất khẩu sang khối thị trường EU đạt 337 triệu USD, tăng 15%.

Sở hữu công nghệ chế biến hiện đại bậc nhất thế giới, 'kho vàng' này mang về gần 3 tỷ USD từ đầu năm - Nhật, Mỹ tranh mua- Ảnh 2.

VASEP đánh giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sang một số thị trường lớn đều đạt kết quả khả quan. Theo quy luật hàng năm, xuất khẩu thường tăng tốc vào quý 3. Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 8 tôm Việt Nam tại Mỹ ghi nhận tích cực hơn các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador khi xuất khẩu tôm từ các nguồn cung này sang Mỹ đều giảm.

Giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ ghi nhận tăng từ 4,59 USD/pounce vào tháng 7/2024 lên 4,95 USD/pounce vào tháng 8/2024. Tháng 8 cũng là tháng ghi nhận nhập khẩu tôm của Mỹ đạt cao nhất kể từ đầu năm.

Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng 7 năm nay. Giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9. Giá xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ.

Các sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng GTGT. Cụ thể, theo đánh giá từ Cục Thủy sản, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc cấp độ cao nhất trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn.

Tôm Việt Nam đã vươn lên, chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Australia... Trình độ chế biến tôm của nước ta cũng đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú.

Dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ tết Nguyên đán và năm mới.

Các doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm. Theo Bộ NN&PTNT, kế hoạch năm 2024 diện tích nuôi tôm tương đương năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đặt mục tiêu đạt mức 4 - 4,3 tỷ USD.