Số vụ lừa đảo giảm lần lượt 50% và 72% sau khi bắt buộc xác thực sinh trắc học

Admin

Đến 15/9, có khoảng 38 triệu tài khoản ngân hàng được thu thập dữ liệu sinh trắc học. Số vụ việc lừa đảo chuyển tiền giảm lần lượt 50% và 72% so với trước khi bắt buộc xác thực sinh trắc học từ 1/7.

Hạn chế tình trạng lừa đảo trong thanh toán

Theo đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), việc cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng gần như không ảnh hưởng đến tổng số lượng giao dịch hàng ngày.

Tại họp báo công bố sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024 sáng 26/9, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, đến giữa tháng 9/2024, có khoảng 38 triệu tài khoản ngân hàng được thu thập dữ liệu sinh trắc học, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử.

Hầu hết khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày đều đã đăng ký thông tin sinh trắc học để kiểm tra, xác thực lại tính chính chủ của chủ tài khoản khi thực hiện giao dịch, theo yêu cầu tại Quyết định 2345 của NHNN.

Ông Tuấn khẳng định lại mục tiêu của Quyết định 2345 là đảm bảo tài khoản phải chính chủ khi thực hiện các dịch vụ liên quan đến tài khoản, liên quan đến thẻ, liên quan đến ví. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo chuyển tiền vào các tài khoản không chính chủ được các đối tượng thuê, mua, mượn của người khác.

Sau hai tháng triển khai, số lượng giao dịch bình quân khoảng trên 25 triệu giao dịch/ngày. So với số giao dịch trung bình của thời điểm trước 1/7/2024, số lượng giao dịch gần như không thay đổi.

“Quyết định 2345 đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực khi số vụ gian lận sau ngày 1/7 chỉ còn 700 vụ việc, giảm 50%; số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận được sử dụng chỉ còn 682 tài khoản, giảm 72% so với số lượng trung bình của 7 tháng đầu năm”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Số vụ lừa đảo giảm lần lượt 50% và 72% sau khi bắt buộc xác thực sinh trắc học- Ảnh 1.

Đã có 38 triệu tài khoản được thu thập dữ liệu sinh trắc học. Ảnh: Hoàng Hà.

Kết quả trên cho thấy tác động hết sức tích cực, trong đó Quyết định 2345, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo trong thanh toán.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán bày tỏ hy vọng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các trung gian thanh toán tiếp tục thu thập dữ liệu sinh trắc học và kiểm tra dữ liệu về sinh trắc học được lưu tại CCCD gắn chip.

Đây là các nội dung đã được quy định tại Thông tư 17 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, và Thông tư 40 quy định về hoạt động trung gian thanh toán.

Theo đó, từ 1/1/2025, các khách hàng cá nhân chưa được các TCTD, các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học sẽ chỉ có thể chuyển tiền trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng.

“Mốc thời gian trên sắp đến, các TCTD và trung gian thanh toán đang khẩn trương thúc đẩy việc này,” ông Tuấn lưu ý.

Gần 90% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng

Về sự kiện "Ngày Thẻ Việt Nam", theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Anh Tuấn, các tổ chức tín dụng đang có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Tham khảo thêm
Từ 1/1/2025, phải xác thực tài khoản chính chủ mới được giao dịch onlineTừ 1/1/2025, phải xác thực tài khoản chính chủ mới được giao dịch online

Đến nay, cả nước có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%.

Ông Phạm Anh Tuấn thông tin, tháng 10 tới, NHNN sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 35 về an ninh, an toàn trong giao dịch trực tuyến. Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 2345 và có giá trị pháp lý nâng tầm tuân thủ lên mức cao hơn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, không phải mọi giao dịch đều phải xác thực sinh trắc học. Nhưng điều kiện để thực hiện các giao dịch trên phương tiện điện tử cũng góp phần giúp các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán kiểm tra lại kho dữ liệu, đảm bảo khách hàng được cung cấp dịch vụ trên môi trường điện tử phải được đảm bảo chính chủ.

Bất kỳ thời điểm nào khách hàng cũng có thể yêu cầu ngân hàng kiểm tra, đăng ký xác thực sinh trắc học. Việc này đảm bảo quyền lợi của chính khách hàng, góp phần hạn chế tình trạng gian lận, lừa đảo trong thanh toán.

KHÁNH LINH (t/h)