Sputnik: Nhận định quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam là có cơ sở

Vũ Xuân Kiên

Từ WB, IMF, Moody’s, Fitch, Standard & Poor's (S&P), đến các ngân hàng như United Overseas Bank (UOB) hay Standard Chartered đều đánh giá lạc quan về triển trọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Đài Sputnik cho rằng mới đây các định chế tài chính và tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đưa ra những nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Moody’s, Fitch, Standard & Poor's (S&P), đến các ngân hàng như United Overseas Bank (UOB) của Singapore hay Standard Chartered của Anh đều đánh giá lạc quan về triển trọng kinh tế của Việt Nam trong khi bức tranh toàn cầu đầy ảm đạm.

1710detmay1-1665996696.jpg
Dây chuyền dệt may xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đặc biệt, mức dự báo này được đưa ra sau khi Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 tăng khá cao với 13,67% so với cùng kỳ năm 2021.

GDP 9 tháng của năm đã tăng 8,83% so với cùng kỳ và đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF công bố ngày 11/10 dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Việt Nam năm 2022 đạt 7%. Đáng chú ý, trong khi IMF cho rằng có đến 1/3 nền kinh tế trên thế giới sẽ suy giảm thì mức tăng trưởng này có thể coi là kỳ tích.

WB dù vẫn thận trọng và đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 7,5% xuống 7,2% trong năm 2022, song cũng nhấn mạnh rằng, đây vẫn là mức cao và Việt Nam thực sự trở thành điểm sáng cho bức tranh ảm đạm của xu hướng suy thoái toàn cầu.

Theo WB, Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc. Đó là cơ sở để WB tin rằng Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng trên 7% trong năm nay.

Ngân hàng UOB cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 7% được đưa ra trước đó nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và dịch vụ kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

Lạc quan hơn cả UOB, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thậm chí dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2022. Hồi tháng 9, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody's nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Việc Moody's nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng.

Trong khi đó, trong thông cáo mới nhất, ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% và có thể đạt tăng trưởng từ 7%-7,2% vào năm 2023.

Trong dự báo mới phát đi, Standard Chartered cũng cho rằng, tăng trưởng GDP của quý 4 năm nay dự kiến sẽ đạt 4%. Standard Chartered dự báo lạm phát của quý 4 sẽ tăng lên 5% và hạ dự báo lạm phát cả năm từ 4,2% xuống 3,3%.

Sputnik cũng cho hay phía sau con số tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam, không phải sự ngẫu nhiên.

Trước đó, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, nếu không có gì bất ổn, GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 7,5%-8,5%.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nếu tăng trưởng thấp do gặp nhiều khó khăn thì trong năm 2022, tăng trưởng GDP có thể khoảng 7,5%. Còn nếu trong bối cảnh mọi thứ diễn biến như hiện nay, không có đột biến bất lợi với nền kinh tế Việt Nam từ bên ngoài thì dự báo GDP tăng trưởng khoảng 8%.

Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội quý 3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, nhờ đó các hoạt động sản xuất-kinh doanh trong nước đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Theo bà Hương, kinh tế-xã hội 9 tháng của Việt Nam khởi sắc trở lại trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3 tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt so với cùng kỳ năm trước (khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam).

“Trên thực tế, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra như công nghiệp chế biến-chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa,” bà Hương nói./.