Sức mạnh Trung Quốc: Kiểm soát thị trường công nghệ thế giới bởi 1 ngành chiếm 99,9% thị phần, không có bất cứ quốc gia nào cạnh tranh nổi

Admin

Đích thân một CEO của một tập đoàn Phương Tây đã phải than thở rằng Trung Quốc đang nắm ưu thế tuyệt đối trong mảng cực kỳ quan trọng của ngành công nghệ.

Sức mạnh Trung Quốc: Kiểm soát thị trường công nghệ thế giới bởi 1 ngành chiếm 99,9% thị phần, không có bất cứ quốc gia nào cạnh tranh nổi- Ảnh 1.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tờ New York Times (NYT) cho hay Trung Quốc đang kiểm soát tuyệt đối với hoạt động khai thác và tinh chế khoáng sản hiếm thành phần quan trọng của các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Điều đáng nói hơn nữa là không có bất cứ quốc gia nào có lợi thế cạnh tranh nổi và điều này đang trở thành điểm yếu cho lệnh cấm vận công nghệ của Phương Tây.

Lợi thế tuyệt đối

Nhắc đến Dysprosium, một loại đất hiếm có giá bán hơn 100 USD/pound thì không ai trong ngành bán dẫn là không biết. Trước đây nguyên liệu này chủ yếu được sử dụng làm chất phụ gia trong nam châm cho ô tô điện vì có khả năng chịu nhiệt cao, nhưng chúng ngày càng được dùng nhiều hơn ở mảng chip bán dẫn.

Trong vài năm trở lại đây, Nvidia và các nhà sản xuất chip máy tính khác đã thay đổi vật liệu được sử dụng trong hàng trăm tụ điện trên mỗi chip sang Dysprosium siêu tinh khiết.

Điều trớ trêu là hiện Trung Quốc sản xuất đến 99,9% Dysprosium của thế giới và không có bất kỳ nước nào có thể cạnh tranh nổi về lợi thế này.

Sức mạnh Trung Quốc: Kiểm soát thị trường công nghệ thế giới bởi 1 ngành chiếm 99,9% thị phần, không có bất cứ quốc gia nào cạnh tranh nổi- Ảnh 2.

Tờ NYT cho hay có rất ít mỏ khai thác Dysprosium bên ngoài Trung Quốc và Myanmar có nồng độ khả thi để làm thương mại. Thế nhưng Myanmar lại có bất ổn về địa chính trị và Trung Quốc trở thành địa điểm tối ưu nhất cho hoạt động khai thác, tinh chế Dysprosium.

Chưa dừng lại ở đó, các công ty Trung Quốc đã mua cổ phần hoặc quyền sản xuất tại các mỏ đang được phát triển ở Tanzania, Greenland và Australia, qua đó khống chế chặt chẽ hơn nguồn cung nguyên liệu quan trọng này.

Xin được nhắc rằng phải mất nhiều năm một nhà máy lọc đất hiếm mới có thể đi vào hoạt động hết công suất nên việc xây mới để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cần tốn rất nhiều thời gian.

Nguyên nhân chính là việc sản xuất Dysprosi siêu tinh khiết cần thiết cho các chip máy tính chạy các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) đặc biệt khó khăn.

Hãng Neo Performance Materials của Canada đã mất 7 năm thử nghiệm với nhiều sai sót mới có thể thành thạo quy trình hóa học gồm 100 bước tại nhà máy lọc đất hiếm Wuxi ở Thượng hải của mình.

Thậm chí Solvay, một công ty tinh chế của Bỉ cho biết họ có kế hoạch tăng sản lượng Dysprosium để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng ban đầu hãng cũng chỉ dám tăng sản lượng Dysprosium cho nam châm, một ứng dụng ít kỹ thuật hơn so với mảng chip bán dẫn.

Tại Mỹ, mỏ đất hiếm duy nhất nằm ở Mountain Pass, California có nồng độ Dysprosi thấp, không hiệu quả để khai thác và tinh chế như tại Trung Quốc.

Tuy nhiên MP Materials, công ty sở hữu mỏ này đã có hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ để nâng cấp thiết bị lọc tinh vi nhằm chiết xuất Dysprosium để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Động thái của MP Materials là dễ hiểu khi các quốc gia đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm kể từ năm 2010 khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm vận 2 tháng với Nhật Bản trong nguồn cung đất hiếm, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghệ.

Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài muốn cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc có chi phí sản xuất thấp hơn, sẵn sàng cắt giảm giá và chịu lỗ tài chính là điều khó khăn nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ chính phủ.

Sức mạnh Trung Quốc: Kiểm soát thị trường công nghệ thế giới bởi 1 ngành chiếm 99,9% thị phần, không có bất cứ quốc gia nào cạnh tranh nổi- Ảnh 3.

Kinh khủng hơn, Trung Quốc hiện liên tục gia tăng lợi thế thông qua những tiến bộ trong hóa học cho phép các nhà tinh chế khai thác nhiều đất hiếm hơn với chi phí thấp hơn.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có 39 trường đại học có chương trình đào tạo kỹ sư và nhà nghiên cứu cho ngành công nghiệp đất hiếm. Trong khi đó các trường ở Mỹ và Châu Âu chỉ cung cấp những khóa đào tạo không thường xuyên về mảng này.

"Các nhà máy tinh chế đất hiếm ở Trung Quốc có hệ thống chiết xuất dung môi thực sự vượt trội hơn hẳn một thế hệ so với bất kỳ hệ thống nào khác trên thế giới", Chủ tịch Michael Silver của American Elements, một nhà sản xuất và phân phối hóa chất có trụ sở tại Los Angeles ngậm ngùi thừa nhận.

Thanh gươm trên đầu

Theo NYT, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu đất hiếm. Cụ thể từ 1/10/2024, các nhà xuất khẩu phải cung cấp cho chính quyền những bản theo dõi chi tiết, từng bước về cách các lô hàng kim loại đất hiếm được sử dụng trong chuỗi cung ứng của phương Tây.

"Rủi ro gián đoạn nguồn cung đất hiếm cứ như thanh gươm treo trên đầu thị trường vậy, sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào", giám đốc Daan De Jonge tại Benchmark Mineral Intelligence nhận định.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang thâu tóm các doanh nghiệp khai thác và sản xuất, tinh chế đất hiếm nhằm nắm quyền kiểm soát tuyệt đối. Gần đây 2 nhà máy tinh chế đất hiếm cuối cùng do nước ngoài sở hữu tại Trung Quốc đang được một trong ba công ty quốc doanh đàm phán mua lại.

Vào ngày 15/9/2024, Bộ Thương mại Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu Antimon, một vật liệu được sử dụng trong chất bán dẫn, thuốc nổ quân sự và các loại vũ khí khác. Năm ngoái, bộ này đã áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với hai nguyên tố hóa học khác là Gali và Germani, cũng cần thiết để sản xuất chip.

Thậm chí việc khai thác và tinh chế đất hiếm còn được dán nhãn là bí mật nhà nước. Tháng trước, Bộ An ninh Nhà nước (MSS) thông báo rằng hai nhà quản lý trong ngành công nghiệp đất hiếm đã bị kết án 11 năm tù vì tiết lộ thông tin cho người nước ngoài.

Sức mạnh Trung Quốc: Kiểm soát thị trường công nghệ thế giới bởi 1 ngành chiếm 99,9% thị phần, không có bất cứ quốc gia nào cạnh tranh nổi- Ảnh 4.

"Trung Quốc đã thâu tóm thị trường khai thác và tinh chế các loại khoáng sản quan trọng, khiến Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác của chúng tôi dễ bị tổn thương trước những cú sốc về chuỗi cung ứng và làm suy yếu an ninh kinh tế- quốc gia", một tuyên bố của Nhà Trắng vào tháng trước nêu rõ.

Xin được nhắc rằng đất hiếm của Trung Quốc được sử dụng để sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ cũng như trong tua-bin gió, động cơ ô tô điện, ống kính máy ảnh và bộ chuyển đổi xúc tác trên ô tô xăng.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu đất hiếm sẽ tăng gấp 7 lần trong khoảng 2020-2040 trước sự bùng nổ của các ngành năng lượng sạch, tua bin gió hay ô tô điện.

Trên thực tế, chiến lược về đất hiếm của Trung Quốc đã có dấu hiệu từ thập niên 2000 khi ngành công nghệ ngày càng trở nên quan trọng. Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý việc khai thác đất hiếm bất hợp pháp đã làm gián đoạn nguồn cung và khiến giá của 17 loại đất hiếm tăng gần 30 lần, qua đó tạo nên sức mạnh kiểm soát toàn ngành.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ chính phủ, các nhà máy khai thác hay tinh chế đất hiếm tại Trung Quốc sẵn sàng dìm ngập thị trường, tham gia cuộc chiến về giá để đánh hạ đối thủ bất cứ khi nào các nước Phương Tây muốn xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình.

Chiến thuật giá rẻ, sẵn sàng chịu lỗ này khiến cả thế giới vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc trong mảng đất hiếm.

"Họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể, từ hạ lãi suất đến cung cấp nhân lực và đất đai để kiểm soát nguồn cung đất hiếm", Chủ tịch Silver của American Elements than thở.

*Nguồn: NYT