Tại sao vẫn chưa đẩy mạnh đào tạo sinh viên sư phạm dạy môn tích hợp?

Admin

Nhiều chuyên gia khẳng định việc được đào tạo chính quy 4 năm sẽ trang bị đầy đủ kiến thức, chuyên môn cho giáo viên hơn so với việc bồi dưỡng 3 tháng ngắn ngủi.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp.

Trong Công văn nêu rõ: “Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục phổ thông đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy việc phân công và sắp xếp giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học theo chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục còn khó khăn, vướng mắc”.

Đánh giá của Bộ GD&ĐT cũng phần nào phản ánh thực tế dù sau 3 năm triển khai Chương trình mới các giáo viên vẫn còn nhiều loay hoay khi dạy môn tích hợp (ở khối THCS). Và mặc dù đã có kế hoạch từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một đội ngũ sinh viên ngành sư phạm được đào tạo bài bản, chính quy từ các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng theo yêu cầu của nội dung mới.

Giáo dục - Tại sao vẫn chưa đẩy mạnh đào tạo sinh viên sư phạm dạy môn tích hợp?

 Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các nhà giáo vấn đề khó khăn khi dạy môn tích hợp là nội dung rất được quan tâm.

Thiếu giáo viên đào tạo chính quy

Nhận định về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: “Việc các trường sư phạm cần thay đổi mục tiêu, chương trình, mô hình đào tạo đã trở thành yêu cầu bức thiết từ lâu, nhưng thực tế có rất ít sự thay đổi ở các trường đào tạo giáo viên để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.

Theo chuyên gia dạy học tích hợp cần được đưa vào đào tạo giáo viên như là một phương pháp dạy học, đồng thời  nội dung liên môn, các khoa học cơ sở cho môn học cũng cần được chú trọng đưa vào chương trình đào tạo.

“Việc này sẽ cung cấp cho những người đang học nghề sư phạm những hiểu biết và kỹ năng dạy học, là những điều kiện cần để giảng dạy trong bối cảnh ngày nay”, bà Chu Cẩm Thơ bày tỏ.

Là trường có truyền thống đào tạo các ngành sư phạm nhưng đến nay Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vẫn chưa có ngành đào tạo dạy môn tích hợp. Theo TS Phạm Ngọc Sơn – Phó Trưởng khoa Sư phạm, Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Sau khi triển khai Chương trình GDPT 2018 chúng ta nhận thấy rõ đội ngũ giáo viên chưa đáp được nhu cầu theo nội dung giảng dạy mới và hiện nay mới chỉ có các giải pháp tình thế để khắc phục. Muốn chạy được chương trình chắc chắc việc đào tạo sinh viên sư phạm là rất cần thiết”.

Ông Sơn cho biết mặc dù chưa có ngành đào tạo mới nhưng để đáp ứng nhu cầu mới hiện nay ngay từ những năm đầu tiên các sinh viên của nhà trường đã được học theo định hướng mới của Chương trình GDPT năm 2018.

“Nhưng với môn tích hợp do chưa có chương trình đào tạo chính quy cụ thể nên chỉ có thể lồng ghép phần nào trong các giờ dạy cho sinh viên”, ông Phạm Ngọc Sơn chia sẻ.

Giáo dục - Tại sao vẫn chưa đẩy mạnh đào tạo sinh viên sư phạm dạy môn tích hợp? (Hình 2).

Bà Chu Cẩm Thơ thay đổi mô hình đào tạo ngành sư phạm cần thay đổi là bức thiết từ lâu.

Điều chỉnh đào tạo sinh viên đáp ứng chương trình mới

Một trong số ít trường đại học trên cả nước bắt tay vào đào tạo các ngành liên quan đến môn tích hợp như: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân,… Năm 2019 là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM đào tạo chuyên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên với khoảng 50 sinh viên, đến nay đã có những lứa sinh viên đầu tiên ra trường và đã có những kết quả ban đầu.

Trai đổi với Người Đưa Tin, ThS Lê Phan Quốc – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM cho rằng việc xây dựng ngành đào tạo mới đáp ứng Chương trình GDPT 2018 là rất cần thiết.

“Điều quan trọng cần phải xây dựng được chương trình đào tạo. Chúng tôi viết chương trình tiếp cận với 2 góc độ theo quy định của nhà trường và yêu cầu của Bộ GD&ĐT làm sao đảm bảo đầu ra chất lượng cho sinh viên”, ông Lê Phan Quốc cho biết.

Trong quá trình giảng dạy cũng cần liên tục rà soát điều chỉnh nội dung phù hợp cho những sinh viên khoá sau được cập nhật kiến thức. Theo ông Quốc việc tổ chức đào tạo đa phần là thuận lợi và có thêm nhiều cơ hội.

Tuy nhiên về vấn đề thực tập cũng gặp một số hạn chế ở những năm đầu tiên. “Liên hệ xin sinh viên về thực có khó khăn bởi ngay bản thân các trường THCS cũng rất bối rối dạy môn tích hợp nên cũng không có kinh nghiệm nhiều để hướng dẫn. Nhưng với quan điểm đồng hành 3 bên, giáo viên cần tiếp cận phương pháp mới, sinh viên muốn thực tập nên các giảng viên của trường sẽ cùng tham gia với nhà trường để cùng nhau học tập, trao đổi”, ông Quốc thông tin.

Theo đại diện nhà trường đánh giá khi sinh viên được đào tạo dạy môn tích hợp không gặp khó khăn nhiều trong khi học và vững tin hơn sau khi ra trường giảng dạy.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cho rằng thay vì biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT có rất nhiều việc phải làm.

Theo bà Hồ thị Minh đ ể chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào triển khai, thực hiện một cách có hiệu quả  chúng ta cần quan tâm đến đội ngũ làm công tác giáo dục. “Nghị quyết 29 là đổi mới toàn diện nhưng ở các trường đại học ngay trước thềm năm học mới vừa qua tôi thấy chưa có bất kỳ một mô hình đào tạo nào để giáo viên dạy được các môn tích hợp”, bà Minh bày tỏ.