Tăng cường phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Admin

Những năm qua, chuyển đổi số, ứng dụng số ngày càng phát triển trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, trong khi kiến thức, nhận thức của người dân về công nghệ thông tin còn hạn chế. Vì vậy, nhiều đối tượng, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, lừa đảo mang tính hệ thống, liên tỉnh, nhiều người tham gia.

t2-2-7792-1683096964.jpg

Cán bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội và nhận diện các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng cho đoàn viên, thanh niên xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa.

Để ngăn chặn sớm nhóm tội phạm mới này, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Sử dụng công nghệ cao lừa đảo, đánh bạc liên tỉnh

Hai năm qua, Công an tỉnh Quảng Ngãi liên tục tiếp nhận đơn liên quan các vụ án cá độ bóng đá, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Các vụ án lừa đảo liên tỉnh có tính chất, hệ thống phức tạp liên quan nhiều nạn nhân. Đầu năm 2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã triệt phá thành công đường dây tổ chức cá độ bóng đá qua internet do P.Q.H, 30 tuổi, ở phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi điều hành.

Để mở rộng mạng lưới, H đã phân cấp hàng chục tài khoản đại lý cho nhiều người để lôi kéo, thu hút hàng trăm đối tượng trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên xác định N.T.K, 28 tuổi, ở xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh là một mắt xích quan trọng trong đường dây này.

Với vỏ bọc là chủ cơ sở nha khoa thẩm mỹ thành đạt, K quản lý hàng chục con bạc tham gia cá cược tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra vụ án, các trinh sát an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi đã lần theo mạng lưới tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng. Sau thời gian xác lập đủ chứng cứ của cơ quan điều tra, K đã khai nhận tất cả hành vi phạm tội.

Tại Quảng Ngãi, các trinh sát đồng loạt triệu tập P.Q.H cùng nhiều đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng. Chỉ sau hai năm, đường dây của H đã hình thành 15 đại lý, tổ chức hơn 100 đối tượng tham gia cá cược với số tiền lên đến 50 tỷ đồng. Đây là đường dây cá độ bóng đá qua internet lớn nhất từ trước đến nay bị triệt phá tại Quảng Ngãi.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều phản ánh, tố cáo liên quan các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng từ người dân, Công an tỉnh Quảng Ngãi chủ động phối hợp Công an tỉnh Quảng Trị điều tra vụ lừa đảo liên tỉnh.

Do cần tiền tiêu xài, H.M.Q, sinh năm 2006 và H.T.S, sinh năm 2004, cùng ngụ thị xã Quảng Trị; L.H.T, sinh năm 2007 và N.V.P.N, sinh năm 2002 cùng ngụ huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin nạn nhân, lập tài khoản Facebook mạo danh.

Để thu hút và tiến hành lừa đảo đông người, nhóm đối tượng tạo đường link bình chọn ảnh đẹp, yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại, tài khoản Zalo. Sau đó, chiếm quyền quản trị, mạo danh chủ tài khoản Zalo nhắn tin lừa mượn tiền.

Để thu gom tiền của các nạn nhân, Q lên mạng xã hội tìm mua nhiều tài khoản ngân hàng của người khác và chuyển dòng tiền đã lừa đảo để chiếm đoạt. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, sau khi chiếm quyền tài khoản Zalo ông C.V.D, ngụ thành phố Quảng Ngãi, Q mạo danh lừa mượn tiền của nhiều nạn nhân số tiền 75 triệu đồng và chuyển dòng tiền qua nhiều ngân hàng để chiếm đoạt.

Sau thời gian theo dõi, điều tra, giữa năm 2022, Công an tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị đã bắt giữ các đối tượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Quảng Trị khởi tố bị can, bắt giam bốn đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chị N.O, ở huyện Bình Sơn, nạn nhân trong vụ án lừa đảo mua bán kit test xét nghiệm Covid-19 liên tỉnh cho biết: “Các thông tin, dữ liệu cá nhân họ đưa ra trùng khớp nên mình mất cảnh giác. Đến khi chuyển tiền, giao dịch một thời gian ngắn mới phát hiện ra mình bị lừa thì đã muộn”.

Nhiều biện pháp ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm liên quan kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tiền điện tử, giao dịch ngoại hối đánh bạc trên không gian mạng có tính chất phức tạp, mang tính hệ thống.

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo phổ biến trước đây, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi mới như: Lừa đảo bằng hình thức tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà; vay tiền hoặc vay vốn online; phát tán tin nhắn thương hiệu giả mạo các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng và mở tài khoản thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản; đăng tin bài kêu gọi từ thiện trên các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng còn đánh vào tâm lý số đông, lôi kéo người dân thiếu hiểu biết về công nghệ để giới thiệu tham gia đầu tư, các ứng dụng chứng khoán, cam kết lợi nhuận cao. Sau thời gian giao dịch các đối tượng đưa ra nhiều lý do để người chơi không rút tiền trong tài khoản, đóng băng tài khoản.

Để chiếm đoạt tiền, các đối tượng lợi dụng nhiều kênh trung gian thanh toán không phép để thực hiện giao dịch, chuyển tiền; sử dụng các loại tiền điện tử để tổ chức đánh bạc qua mạng. Quá trình điều tra cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao mở rộng mạng lưới, địa bàn liên tỉnh gây khó cho công tác điều tra, xác minh của lực lượng chức năng.

Trong hai năm qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận, xác minh 107 thông tin liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền thiệt hại 37 tỷ đồng.

Đơn vị nghiệp vụ điều tra sáu vụ với 27 đối tượng có hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh, trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phát hiện, khởi tố bảy vụ với 16 bị can về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 24 tỷ đồng. Các vụ án mang tính chất hệ thống, nhiều mắt xích, nạn nhân liên tỉnh tham gia ngày càng nhiều.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Thạnh, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, còn khá mới đối với người dân nên họ dễ bị lừa, bị cuốn vào mạng lưới lừa đảo. Xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng số ngày càng cao, mọi hoạt động kinh tế-xã hội gắn với ứng dụng số, công nghệ số. Trong khi đó, kiến thức của người dân về công nghệ thông tin chưa nhiều nên dễ mất cảnh giác”.

Để ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp ngành chức năng tiến hành 65 lượt kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin hệ thống, các thiết bị kết nối tại các cơ quan, đơn vị; hướng dẫn 10 đơn vị, địa phương khắc phục bất cập, hạn chế và thực hiện nghiêm các quy định trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng hệ thống thông tin;...

Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp 18 cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức gần 30 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh mạng, kỹ năng sử dụng mạng xã hội và nhận diện các nguy cơ, rủi ro khi tham gia tương tác trên không gian mạng cho hơn 10 nghìn người...