Tập đoàn Đèo Cả đưa ra kiến nghị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD

Admin

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã có những đề xuất trong việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Tập đoàn Đèo Cả đưa ra kiến nghị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD- Ảnh 1.

Chiều 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Tại cuộc làm việc, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã có đề xuất với Thủ tướng cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam sớm tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao (đường sắt, metro, giao thông thông minh, thành phố thông minh, …).

Đối với các dự án có quy mô lớn, cần xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua.

"Thời gian qua, nhiều những đơn vị thi công các gói thầu lớn, chưa có tiền lệ thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, trong việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao cần Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng này được tiếp cận và triển khai thực hiện góp phần xây dựng phát triển đất nước" , ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư, tổng thầu thi công 12/29 dự án công trình trọng điểm quốc gia cũng đã báo cáo Thủ tướng khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng đối với 4 dự án cao tốc (Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Quảng Ngãi -Hoài Nhơn, Hà Giang – Tuyên Quang).

"Cả 4 dự án cao tốc Đèo Cả đang thi công thì việc giải phóng mặt bằng đều triển khai chậm, các địa phương báo cáo Thủ tướng tỷ lệ giải phóng mặt bằng đảm bảo nhưng thực chất nhiều vị trí còn xôi đỗ, nhiều vị trí không có đường tiếp cận", ông Hồ Minh Hoàng nêu.

Đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã kịp thời sửa đổi bổ sung hệ thống định mức xây dựng và ban hành hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù lần đầu tiên được áp dụng, tuy nhiên, ông Hồ Minh Hoàng nhận định: Hệ thống định mức xây dựng vẫn còn thiếu định mức về hầm (đường bộ, đường sắt,...) các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh đảm bảo tính đúng, tính đủ phù hợp với biện pháp thi công hiện nay.

Sáng ngày 4/10, tại cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) cũng có những đề xuất về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo Hiệp hội, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.

Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường bộ cao tốc và đồng thời nghiên cứu triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Một thách thức đặt ra là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".

Trước vấn đề đó, hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).