Thành phố Hồ Chí Minh cần không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ

Vũ Xuân Kiên

Thành phố Hồ Chí Minh cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị thực sự là của dân, do dân, vì dân. Đây là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, ngày 23/9, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2022).

Đây là lần thứ 15, đồng chí vào thăm và làm việc với TP Hồ Chí Minh trên cương vị Tổng Bí thư.

Dự buổi làm việc, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cán bộ chủ chốt của thành phố, các đồng chí bí thư huyện ủy, thành ủy trực thuộc thành ủy dự buổi làm việc.

ttb-4338-1663921911.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nhấn mạnh, với nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội nhất cả nước và sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế cao đã được thực tế kiểm nghiệm, thành phố cần phải quyết tâm đẩy mạnh đổi mới hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước, xứng đáng với vinh dự lớn là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Tổng Bí thư đề nghị, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy cần quan tâm một số nội dung trọng tâm sau:

Thành phố cần nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung và phát triển Vùng Đông Nam Bộ nói riêng.

Tổng Bí thư nêu rõ, từ trước đến nay, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, nói đến TP Hồ Chí Minh là nói đến một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tầu, là động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã từng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đến nay.

Tuy nhiên, trong một vài nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; sự phát triển của thành phố chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước; tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên chưa được phát huy mạnh mẽ như những năm đầu đổi mới; truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình có lúc, có nơi chưa được kế thừa, phát huy đầy đủ; vai trò đầu tàu, động lực phát triển, sức lan tỏa, dẫn dắt liên kết các tiểu vùng trong vùng Đông Nam Bộ và với các vùng khác trong cả nước có dấu hiệu chững lại, thậm chí phần nào bị suy giảm.

Tổng Bí thư đề nghị Thành ủy cùng cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kịp thời có những chính sách, biện pháp khắc phục có hiệu quả. Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương, Chính phủ, Quốc hội xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ; trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV.

tbt3-2411-1663921911.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực hiện nay. Công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần được tăng cường, nâng cao chất lượng sát hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của thành phố. Các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội khóa XIV đã ưu tiên dành cho thành phố cần được vận dụng có hiệu quả để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Tổng Bí thư lưu ý, thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố để TP Hồ Chí Minh thực sự là thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo đó, cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý; phát triển mạnh khoa học-công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, làm nền tảng thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện quận, huyện… Coi trọng phát triển y tế dự phòng, giải quyết căn bản tình trạng "quá tải" các bệnh viện. Đặc biệt là phải động viên, chăm lo mọi mặt để đội ngũ cán bộ y, bác sĩ yên tâm công tác, làm việc, tiếp tục cống hiến, chăm lo phục vụ ngày càng tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần và trách nhiệm cao hơn nữa.

Theo Tổng Bí thư, thành phố phải thường xuyên quan tâm chăm lo công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Nắm bắt và dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, có hiệu quả mọi tình huống. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng nền tảng chính trị vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh.

tbt3-2411-1663921911.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Thành ủy cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị thực sự là của dân, do dân, vì dân. Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Coi đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. Bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,...

Đánh giá kết quả công tác thời gian qua của Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, chồng chất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Trung ương Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là thành phố đã kiên cường ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt với đại dịch Covid-19; đã dập tắt được đợt bùng phát dịch lần thứ tư xảy ra vào nửa cuối năm 2021 và đang phòng, chống có hiệu quả hơn, kiểm soát ngày càng tốt các loại dịch bệnh, trong đó có dịch Covid 19.

Nhân dịp này, một lần nữa Tổng Bí thư xin chia sẻ với nhân dân TP Hồ Chí Minh và đồng bào Nam Bộ về những mất mát, thiệt hại to lớn, chưa từng có do đại dịch gây ra.

Theo Tổng Bí thư, thành phố đã nỗ lực duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể. Nếu như năm 2021, do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78% thì từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đã nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ và vững chắc hơn, bất chấp những tác động tiêu cực của tình hình quốc tế và kinh tế thế giới như đã nêu trên. Trong 8 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định; chỉ số CPI bình quân 8 tháng ở mức 2,58%, cơ bản tương đương so với cùng kỳ các năm 2018-2021; thu ngân sách nhà nước ước đạt 85,6% so với dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ; xuất khẩu tiếp tục tăng cao và giữ được mức xuất siêu. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, phát triển mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng, tăng cường. Thành ủy đã chủ động, sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI cùng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề cụ thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, ưu tiên, rất thiết thực. Đặc biệt, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có kết quả những tồn đọng, sai phạm, những vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm, trước hết là những vụ việc có sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các cấp ủy, tổ chức đảng từ thành phố đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất nghiêm túc.

Tổng Bí thư ghi nhận và đánh giá cao ý thức tự phê bình và phê bình trong việc nhận diện những mặt còn tồn tại, hạn chế của Thành ủy, như: Vai trò đầu tầu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của thành phố đối với vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, chậm được khắc phục, có mặt ngày càng gay gắt hơn. Đặc biệt là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế, yếu kém; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, mất niềm tin, suy thoái đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng. Một số cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt của thành phố vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật đảng và xử lý hình sự đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng bộ.

Tổng Bí thư đề nghị, trong thời gian tới, Thành ủy cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tìm ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để sớm có các giải pháp khắc phục có kết quả những hạn chế, yếu kém nêu trên.

Tại buổi làm việc, Thành ủy đã báo cáo với Tổng Bí thư tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI; các đại biểu nêu rõ những kết quả mà thành phố đã đạt được, hạn chế cần khắc phục và giải pháp phát triển toàn diện thành phố.

Thay mặt Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Nên nêu rõ, Thành ủy nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư, ra sức phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, để phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ, xứng danh “Đất thép thành đồng”, “Hòn ngọc của Viễn Đông”; luôn luôn vì cả nước…