Thi Olympic quốc tế: Tại sao Việt Nam khó lọt vào top đầu?

Admin

Chuyên gia bày tỏ, Việt Nam được đánh giá là đội mạnh nhưng vẫn rất khó để có thể tranh giải nhất, nhì.

Là người huấn luyện, dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Đỗ Danh Bích – Trưởng đoàn Olympic Vật lý vẫn nguyên tâm trạng tự hào, vinh dự trước những kết quả nổi bật của các em học sinh trong kỳ thi năm nay.

Sau 5 năm kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển, PGS.TS Đỗ Danh Bích nhận thấy không chỉ đối với Vật Lý mà các môn học khác như Hoá học, Sinh học việc thực nghiệm vẫn là cản trở đối với các em thí sinh.

“Trước đó, do ảnh hưởng bởi Covid-19 các em chỉ được thí nghiệm trên máy tính, nhưng năm nay quay trở lại thi trực tiếp, tất cả thói quen học trên máy tính phải được thay đổi, điều này cũng khiến cho các thầy cô trong đoàn rất lo lắng. Khi đi thi quốc tế, hầu hết học sinh của chúng ta rất chắc lý thuyết nhưng thực hành vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Đỗ Danh Bích bày tỏ.

Trưởng đoàn Olympic Vật lý cũng chia sẻ để khắc phục hạn chế với khoảng thời gian tập huấn ngắn ngủi hơn 1 tháng, giáo viên sẽ dành nhiều thời gian cho các thực hành, “đối với năm nay khi đi thi rất may mắn các em lại có thành tích thực hành khá tốt thậm chí hơn những năm trước. Một phần là do Cục quản lý chất lượng có sự thay đổi trong việc thi lựa đội tuyển nên học sinh chuyên nghiệp hơn so với các năm”, PGS.TS Đỗ Danh Bích nhận xét.

Giáo dục - Thi Olympic quốc tế: Tại sao Việt Nam khó lọt vào top đầu?

PGS.TS Đỗ Danh Bích – Trưởng đoàn Olympic Vật lý.

Đánh giá trình độ của học sinh Việt Nam so với các đội tuyển quốc tế, ông Bích ghi nhận: “Nhìn vào kết quả các năm cho thấy phong độ của các em khá ổn định, đối với thi trong khu vực châu Á Việt Nam vẫn được đánh giá là đội mạnh, rất khó bị loại khỏi top 10.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia, để chúng ta có thể đứng những vị trí đầu tiên vẫn sẽ là rất khó bởi riêng trong khu vực còn có các đối thủ rất mạnh phải vượt qua như Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi đi thi quốc tế thì phải thi đấu với hàng trăm quốc gia khác".

Một phần của lý do khó có thể đạt thành tích cao hơn theo ông Bích là vì cách huấn luyện của nước khác nhau và họ khoảng thời gian đào tạo, ôn luyện kéo dài và bài bản hơn.

Ngoài ra, PGS.TS Đỗ Danh Bích cũng nhấn mạnh việc phát hiện, đào tạo ngay từ các cấp THPT là vô cùng quan trọng, “Vai trò của thầy cô, nhà trường trong việc việc phát hiện, bồi dưỡng, tạo niềm tin, động lực cho các em là cơ sở để có thành tích cao trong các cuộc thi. Vì thực tế, thời gian ôn tập ở đội tuyển rất ngắn, chỉ có thể ôn tập, làm những nội dung kiến thức mới, lạ. Còn việc trang bị kiến thức, kỹ năng rất cần phải làm ngay từ khi các em đang học trong trường”, ông Bích bày tỏ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các trường chuyên đã chú trọng phát hiện những nhóm học sinh có khả năng, có ý thức bồi dưỡng, đào tạo các em, tập trung nguồn lực để học tập điều này sẽ hy vọng thành tích của chúng ta sẽ tốt hơn trong những năm tới.

Chia sẻ thêm trong quá trình ôn thi tại đội tuyển, ông Đỗ Danh Bích cho biết: “Các em rất ham học tập, coi đó như thói quen, sở thích. Trong những buổi tập huấn học sinh cũng được thăm các phòng thí nghiệm, tổ chức các buổi liên hoan nhỏ để giảm bớt căng thẳng và đù đi luyện thi nhưng vẫn được kết nối với gia đình trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho các em”.

Giáo dục - Thi Olympic quốc tế: Tại sao Việt Nam khó lọt vào top đầu? (Hình 2).

Em Mai Văn Đức (thứ hai từ trái sang) và các thầy cô, thí sinh trong đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) năm 2023.

Chia sẻ cảm xúc với Người Đưa Tin về thành tích của mình, em Mai Văn Đức - Thí sinh giành huy chương bạc tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IchO) cho biết khi biết kết quả các em đều vỡ oà, không nén được xúc động khi đã đem về sự tự tự hào cho gia đình, nhà trường, đất nước.

“Em là một trong 4 đại diện của Việt Nam tham dự kỳ thi với hơn 300 thí sinh đến từ các nước. Mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn với những câu hỏi mới nhưng chúng em vẫn cố gắng tốt nhất hoàn thành phần thi của mình”, em Mai Văn Đức chia sẻ.

Sau khi trở về nước với tấm huy chương được khen thưởng với Đức là nguồn động lực, tiếp thêm tinh thần cho em tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Bộ GD&ĐT cho biết trong 5 năm gần đây, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tổ chức hằng năm đã được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; kết quả thi phản ánh đúng chất lượng thực tế về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Công tác tổ chức thi và kết quả đạt được đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của các nhà trường phổ thông, nhất là các trường trung học phổ thông chuyên, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đạt kết quả cao, giữ ổn định trong nhiều năm. Một số đội tuyển có xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi nh: đội tuyển Toán, Hoá học, Vật lý và Tin học. Nhiều học sinh xuất sắc đoạt 2 huy chương vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa). Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước.