Thiếu thuốc thật, người bệnh lại đối mặt thuốc giả

Trần Thu

Thời gian qua, câu chuyện thiếu thuốc cùng các vật tư, thiết bị y tế đã gây khó khăn rất lớn tới hoạt động chuyên môn của bác sĩ, nhất là công tác khám, chữa bệnh. Song bên cạnh đó, tình trạng thuốc giả cũng làm “đau đầu” cho các cơ quan chức năng và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người, không chỉ tác động tới những người đang chữa bệnh mà còn cả những người chưa có bệnh.

 

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an huyện Cái Bè bắt quả tang đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả tại xã Hòa Khánh. (Ảnh Trọng Tín)
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an huyện Cái Bè bắt quả tang đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả tại xã Hòa Khánh. (Ảnh Trọng Tín)

Đội Quản lý thị trường số 19 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế-ma túy (Công an huyện Thạch Thất) cùng Phòng Y tế huyện Thạch Thất bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất có địa chỉ tại thôn Cánh Chủ (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) vào ngày 5/10 và phát hiện có đến 90kg thuốc thành phẩm dạng viên nén mầu hồng và hai loại thành phẩm thuốc gồm: Thuốc Tetracyclin TW3 (250mg): 14 thùng (48 hộp/thùng, 400 viên/hộp). Số hàng hóa nêu trên có dấu hiệu giả mạo sản phẩm thuốc Tetracyclin TW3; Thuốc Sabumol 2mg: 4.330 vỉ (10 viên/vỉ). Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói và phát hiện: 34 bao Maize Starch loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt trên nhãn ghi là tá dược dùng trong sản xuất dược phẩm/thực phẩm… cùng nhiều máy móc phục vụ sản xuất và hàng trăm ki-lô-gam nhãn mác các loại.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói dùng trong sản xuất thuốc của cơ sở và các giấy tờ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang đối tượng Đoàn Minh Trường và Phạm Bích Ngọc điều khiển xe ô-tô mang biển kiểm soát 51D-499.25 chở 12 thùng carton chứa 20.000 vỉ (10 viên/vỉ) thuốc nhãn hiệu Neo - Codion di chuyển theo hướng từ Long An đi TP Hồ Chí Minh. Qua đấu tranh, PC03 khám xét khẩn cấp các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức (Long An) và nhiều địa điểm cất giữ thuốc giả thành phẩm tại TP Hồ Chí Minh.

Kết quả khám xét, PC03 đã tạm giữ, niêm phong hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc giả. PC03 thu giữ khoảng một triệu viên thuốc giả thành phẩm nhãn hiệu Neo - Codion cùng nhiều nguyên liệu để sản xuất thuốc giả. Theo PC03, đây là đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ, cấu kết thực hiện khép kín.

Sự việc được các cơ quan chức năng phát hiện đã kịp thời ngăn chặn để những loại thuốc đó không tuồn ra ngoài thị trường. Nhưng qua đó thấy rằng, thuốc giả thật sự là mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Nhu cầu về thuốc rất lớn và chính đáng, nhưng cũng trở thành cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất bất hợp pháp để đưa hàng giả ra thị trường.

Ở một số vụ việc, các đối tượng còn mua bao bì, chai, lọ, dán nhãn mác sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài nhằm đánh lừa người tiêu dùng, cũng như lợi dụng tâm lý “sính hàng ngoại” để thu lợi bất chính. Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Bộ Y tế, thuốc giả được phát hiện bao gồm cả tân dược và đông dược, sản xuất ở trong nước và nhập khẩu; gây nhiều tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.

Hiện nay, nhận biết được thuốc thật hay giả là việc rất khó khăn đối với người dân. Để xác định được chất lượng thuốc, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian để đưa ra được kết luận một sản phẩm thuốc kém chất lượng. Bên cạnh đó, theo cơ quan quản lý thị trường, khi phát hiện lô hàng nghi bị làm giả thì việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng quản lý thị trường thiếu chuyên môn liên quan đến thuốc và công cụ để xác định độ thật giả của sản phẩm…

“Thuốc giả là thuốc được sản xuất không có dược chất, dược liệu; hoặc có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu; hoặc có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu... Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng, bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc, thậm chí tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10! Trong đó đáng nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc”.

Bác sĩ CKII HÀ XUÂN HOA Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ

“Để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý thuốc kém chất lượng và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán thuốc giả ngoài sự phối hợp của các cơ quan chức năng thì các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc phải thực hiện tốt các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, sử dụng thuốc. Các cơ sở kinh doanh dược hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi đã được cấp phép trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ, có cảnh báo vi phạm chất lượng; khuyến khích người dân chủ động phát hiện, thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý phát hiện nghi ngờ thuốc giả, thuốc kém chất lượng”.

Thạc sĩ, bác sĩ LÊ THỊ HỒNG VÂN Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái