Thịt bò sạch từ lò mổ công nghiệp đang hút người dân

Admin

Thị trường thịt sạch được cung cấp bởi các lò mổ công nghiệp ở Việt Nam đang nở rộ phát triển để đáp ứng nguồn cung cho thị trường đông dân. Hiện nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trang trại chăn nuôi và quy trình xử lý, sản xuất nhằm chiếm lĩnh thị phần tiêu thụ còn rộng mở.

Tỷ lệ thịt sạch còn hạn chế

Theo theo "Chiến lược phát triển chăn nuôi" và "Đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045" của Thủ tưởng Chính phủ, mục tiêu quản lý, sắp xếp hoạt động giết mổ có hiệu quả nhằm cung cấp sản phẩm động vật an toàn, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; Tạo định hướng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng các khu giết mổ tập trung để sản xuất thịt sạch cung ứng cho thị trường.

Thống kê hiện cả nước có 52/63 tỉnh thành đã quy hoạch các cơ sở giết mổ động vật, với tổng số 1.230 cơ sở giết mổ, đã xây dựng và đưa vào hoạt động được 434 cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn trên 27.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và điểm đáng lưu ý là tỷ lệ sản phẩm giết mổ từ số cơ sở này được kiểm soát đạt mức rất thấp (chỉ khoảng 5%).

Thị trường thịt còn nhiều tiềm năng

Thị trường thịt tại Việt Nam là 9,84 tỷ USD vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng 11,35% ( 2022-2027), trong khi thị trường tại Mỹ đạt 159,2 tỷ USD vào năm 2022. Sức tiêu thụ thịt ở thị trường Việt Nam đã tăng 8,7% trong 2023, cụ thể, lượng tiêu thụ thịt bình quân đầu người trong năm 2022 là 13,7kg. Trong phân khúc thịt, khối lượng dự kiến sẽ đạt 1.971,9 triệu kg vào năm 2027. Tuy nhiên mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam hiện ở mức gần 500.000 tấn/năm, trong khi đó ở Nhật Bản con số là 1.000.000 tấn/năm.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 16,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 73,23 triệu USD, giảm 6,3% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á. Thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa xứng với sản lượng sản xuất hàng năm.

Tại hội thảo về thịt đỏ giữa tháng 3-2023, Văn phòng Đầu tư và Thương mại bang Queensland (Úc) tại Việt Nam thông tin từ đầu năm 2020 đến tháng 3-2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 37.000 tấn thịt bò từ Úc. Thống kê sản lượng thịt bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam tăng dần theo từng năm đã minh chứng cho nhu cầu lớn của thị trường Việt Nam. Cũng theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2020 đàn bò thịt đạt 6,325 triệu con, tăng 4,38 % so với năm 2019; Tính đến cuối tháng 5-2021, ước tính số lượng bò tăng khoảng 2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Theo số liệu của Euromonitor, giá trị thị trường các loại thịt tại Việt Nam vào khoảng 12,5 tỷ USD vào năm 2021, trong đó thịt bò chiếm 21,7%. Năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 5-6%, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Sản lượng tiêu thụ thịt bò đến năm 2025 dự kiến đạt 550.000 tấn, đến năm 2030 đạt từ 600.000 - 650.000 tấn. Xu hướng tăng trưởng thịt trâu/ bò 6-7%/năm  gấp đôi thịt heo, gà,…

Do vậy, sản lượng thịt bò trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên thị trường thịt bò trong nước còn nhiều cơ hội cho các công ty giết mổ chuyên nghiệp đầu tư bài bản cho nhu cầu trong nước.

Xu hướng được người tiêu dùng ưa chuộng

Cùng với sức tiêu thụ thịt tăng, thị trường thịt đông lạnh cũng phát triển nhanh các khu vực đô thị. Tuy nhiên câu hỏi về chất lượng thịt đông lạnh là câu hỏi đáng được đặt ra.

Theo đánh giá của Cục Thú y, các tỉnh phía Nam đang thực hiện tương đối tốt hơn trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Cụ thể như tỉnh Long An đã thực hiện tốt việc xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung, đang dần tiến tới xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm..

Thịt bò sạch từ lò mổ công nghiệp đang hút người dân - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2020 toàn tỉnh Long An có tổng đàn bò khoảng 120.000 con; đàn heo khoảng 71.000 con…Sản phẩm động vật sau giết mổ cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh khác như: Ngoài tỉnh gần 200 con trâu, bò/ngày; Trong tỉnh khoảng 60 con trâu, bò/ngày.

Đặc biệt, một số huyện của Long An cách không xa Chợ Bình Điền và Chợ Hóc Môn (TP.HCM - Thị trường tiêu thụ chủ yếu) - là các chợ đầu mối sản phẩm động vật lớn nhất trong khu vực. Theo đó, các thương lái dễ dàng vận chuyển sản phẩm động vật tiêu thụ tại TP.HCM. Những đặc điểm trên tạo nên sức hút của Long An đối với các nhà đầu tư cơ sở giết mổ, các thương lái kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

Tuy nhiên, tỉnh Long An hiện chỉ có 6 cơ sở giết mổ trâu, bò tập trung, còn lại là nhiều cơ sở giết mổ thủ công, bán công nghiệp. Toàn tỉnh hiện còn 90 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và điểm giết mổ lậu (chiếm 71%). Đây là nơi tiềm ẩn mối nguy rất lớn phát sinh và lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, việc thanh kiểm tra và xử lý đối với tình trạng giết mổ lậu chưa thường xuyên, quyết liệt và triệt để. Do đó, tạo điều kiện để các điểm giết mổ lậu ngang nhiên hoạt động và gây tâm lý e dè cho các nhà đầu tư khi xây mới hoặc nâng cấp cơ sở giết mổ.

Với thu nhập cao hơn, mức sống của người Việt Nam sẽ được cải thiện tương ứng, dẫn đến xu hướng tiêu thụ thực phẩm có thương hiệu và đảm bảo chất lượng. Do đó, thịt sạch từ các lò mổ công nghiệp được dự báo sẽ là xu hướng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.