Thông tin sai sự thật về SGK: Phụ huynh hoang mang, giáo viên lo lắng

Admin

Chuyên gia cho rằng cần nghiêm túc xử lý những trường hợp lan truyền nội dung sai sự thật, tránh hiện tượng nhờn luật, gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành giáo dục.

Sách giáo khoa vẫn luôn là nội dung nóng, được dư luận hết sức quan tâm. Lợi dụng điều này cộng thêm tính lan truyền thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng trên các nền tảng xã hội đã khiến cho người dân khi đứng trước lượng nội dung “khổng lồ” khó kiểm chứng được độ chính xác.

Phụ huynh hoang mang nhưng cũng khó kiểm chứng

Có con đang học lớp 4 tại một trường Tiểu học của quận Đống Đa, Hà Nội chị Đào Trần Linh thực sự cảm thấy hoang mang với những tin tức thời gian gần đây: “Cứ cách một vài hôm tôi lại xem được những bài viết trên Facebook có nội dung bài ca dao này hay bài thơ kia không phù hợp có trong sách mà học sinh đang được học.

Bản thân tôi hằng ngày học cùng con cũng không thấy những văn bản đó nhưng do hiện nay có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau nên khá khó để một phụ huynh bình thường kiểm chứng”.

Vị phụ huynh cũng bày tỏ, chỉ có thể đánh giá cảm quan về nội dung các bài viết đó, cùng với hàng nghìn bình luận kèm theo nên cũng không dễ để phân biệt.

Giáo dục - Thông tin sai sự thật về SGK: Phụ huynh hoang mang, giáo viên lo lắng

Phụ huynh, học sinh dễ dàng tiếp xúc với hàng ngàn thông tin giả mạo.

Cũng khá băn khoăn trước tình trạng trên, chị Ngọc Mỹ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi có xem qua những thông tin đó nhưng vì không có nhiều thời gian nên cũng khó có thể tìm hiểu, phân tích được nội dung đúng hay sai. Bạn nhà tôi đã học cấp 2, phần lớn là tự học cùng với việc học chương trình khác thời bố mẹ nên rất khó để xác minh lại con mình có phải tiếp xúc với những văn bản đó hay không”.

Chị Mỹ cũng chia sẻ vì là cách dạy mới, ngay những tác phẩm trong sách giáo khoa cũng hoàn toàn mới lạ vì vậy để đa số phụ huynh có thể dễ dàng phân tích như những bài văn, bài thơ quen thuộc như trước kia là không đơn giản. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khi có những nội dung không đúng trên mạng xã hội, họ khó phân biệt được chính xác.

Hệ luỵ không nhỏ đến hoạt động dạy và học

Đối với vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng bởi giáo dục có liên quan đến mọi gia đình, bởi thế, các vấn đề của giáo dục luôn được mọi người quan tâm, mổ xẻ, điều đó cũng dễ hiểu, trong đó có vấn đề sách giáo khoa.

“Trong một thời gian dài, sách giáo khoa được coi là pháp lệnh, khi tranh cãi thì người ta lấy sách giáo khoa làm chuẩn. Vì vậy, người ta đòi hỏi sách giáo khoa phải thật mẫu mực, vẹn toàn.

Khi một số thông tin không được kiểm chứng về sách giáo khoa hiện hành được đưa lên internet để chê trách và bình luận khiếm nhã cùng với hiệu ứng đám đông và sự lan tỏa nhanh chóng của mạng internet đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục nói cũng như việc dạy và học của thầy và trò”, ông Trần Mạnh Tùng bày tỏ.

Giáo dục - Thông tin sai sự thật về SGK: Phụ huynh hoang mang, giáo viên lo lắng (Hình 2).

Ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội.

Theo thầy Tùng, hệ luỵ của những sự việc này không hề nhỏ bởi các thông tin đó ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh (đối tượng có sức đề kháng kém trước các tin đồn kiểu này), làm các em hoang mang và không tin tưởng vào nội dung, chương trình học.

Kèm theo nó cũng ảnh hưởng đến các hoạt động dạy, học trong nhà trường, ảnh hưởng đến giáo viên. Đặc biệt, cũng sẽ tạo áp lực lên đội ngũ tác giả sách giáo khoa, đến hội đồng thẩm định khi bỗng dưng bị nhiều người lên án, kết tội.

Bên cạnh đó, các thông tin không chính xác đó cũng làm xã hội mất niềm tin vào sách giáo khoa, vào giáo dục.

Ông Trần Mạnh Tùng bày tỏ thêm: “Bộ GD&ĐT đã sớm lên tiếng và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn cũng như điều tra, làm rõ và xử lí nghiêm minh các hành vi đưa tin sai trái này là điều cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn cơ quan truyền thông cần cân nhắc khi đưa tin, cần tìm hiểu kĩ nguồn gốc, sự ảnh hưởng của thông tin, thậm chí lên án các hành vi quy chụp, đưa tin tùy tiện để góp phần làm trong sạch môi trường mạng, chung tay với ngành giáo dục”.

Ngoài ra, người dân, các bậc phụ huynh, cũng cần đồng hành với giáo dục, tất cả cùng vì mục đích chung là nâng cao chất lượng dạy và học.

“Các thông tin cần có sự kiểm chứng, các đánh giá cần dựa trên thực tế, công tâm và có tính xây dựng. Việc lan tràn các thông tin sai sự thật, ngoài việc người lớn phải chịu trách nhiệm thì những hệ lụy đến trẻ em cũng không hề nhỏ”, ông Tùng đánh giá.

Giáo dục - Thông tin sai sự thật về SGK: Phụ huynh hoang mang, giáo viên lo lắng (Hình 3).

Nhiều bộ sách giáo khoa đã bị đưa thông tin sai sự thật.

Các tác phẩm đưa vào sách giáo khoa cần đủ 3 tiêu chí

Với nhiều năm tham gia vào hoạt động sáng tác, PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Hạnh cho rằng cần phải có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa trước các tình trạng đưa tin giả mạo.

“Hiện nay có một số thông tin xấu độc, mang tính giả mạo và vu cho sách giáo khoa có những bài không phù hợp”, ông Hạnh cho biết.

Theo ông Hạnh có thể có giải thích nguyên nhân vấn đề này là do có những người xấu tung tin làm bôi nhọ hình ảnh giáo dục nước nhà một cách tàn nhẫn khiến cho những ai nhẹ dạ cả tin vội vàng “chộp” ngay thông tin không kiểm chứng và lan truyền.

Ông Nguyễn Đức Hạnh bày tỏ: “Mạng xã hội hiện nay có tâm lý đám đông còn mạnh, có nhiều người đóng góp ý kiến nhưng không kiểm chứng. Điều này cần phải được xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật, tránh hiện tượng nhờn luật vẫn đang diên ra, điều này cần sớm có giải pháp xử lý”.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, dưới góc độ chuyên môn, ông Hạnh cũng cho rằng nhiều ý kiến của xã hội, thầy cô giáo góp ý cũng cần tiếp thu, sửa đổi. Thực tế  các lỗi về chính tả, ngữ liệu cũng đã được các tác giả sách giáo khoa sửa chữa, cầu thị trước các góp ý đúng đắn của dư luận, truyền thông. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng có tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa đã gây nhiều tranh cãi  về các nguyên tắc tối thiểu về lựa chọn tác phẩm đưa vào sách như bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh vừa qua.

Chuyên gia đưa ra 3 tiêu chí đánh giá. Theo đó, các văn bản được chọn cần là tác phẩm đã trở thành cổ điển, không còn tranh luận. “Không nên đưa những tác phẩm mới quá, còn đang tranh cãi, điều này sẽ ảnh hưởng đến học sinh, chả nhẽ chúng ta đưa cả phần tranh luận cho các em học hay sao ? , PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ.

Thứ hai, các tác phẩm phải mang ý nghĩa giáo dục cao cho học trò, đi cùng ý nghĩa đó là một hình thức tương xứng, có sự trong sáng, ngộ nghĩnh, ngây thơ, đẹp đẽ. Cuối cùng cần chú ý, các bài thơ cũng phải phù hợp với tâm sinh lý và trình độ tiếp nhận của học sinh. “Không nên có những tác phẩm đến người lớn cũng không thể hiểu nổi, thậm chí đối với người chuyên nghiệp như tôi phải mất hàng tháng mới đánh giá hết nội dung thì thì các em học sinh khó hiểu cảm thụ được”, chuyên gia bày tỏ.,

Liên quan đến tính trung thực khi đưa tin không chuẩn xác về ngữ liệu SGK, một tổ chức ngày 19/10 đã có công văn xin lỗi và đính chính khi đưa thông tin về hình ảnh sách giáo khoa bộ Cánh Diều. 

Ngày 18/10, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý các cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch về sách giáo khoa phổ thông. 

Theo Bộ GD&ĐT những ngày gần đây, nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bắn Tung Tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó... dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về sách giáo khoa, người viết sách giáo khoa và ngành giáo dục.

Bộ GD&ĐT khẳng định các nội dung trên không có trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa hiện hành nào đang được sử dụng tại các nhà trường.