Thú vị những câu chuyện về ngoại giao văn hóa

Trần Thu

Ngoại giao văn hóa được xác định là một trong 3 trụ cột của hoạt động ngoại giao. Để hiểu hơn về hoạt động ngoại giao này trong bối cảnh hiện nay, qua con mắt của một người làm thực tế, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Khánh, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao).

Phóng viên (PV): Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, theo ông, việc triển khai ngoại giao văn hóa hiện nay có gì khác trước đây?

Ông Trần Quốc Khánh: Việc giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh một đất nước Việt Nam mới mẻ, sẵn sàng hội nhập, hợp tác, con người Việt Nam thân thiện, cởi mở và đặc biệt là nền văn hóa ngàn năm của Việt Nam là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa còn phải hòa vào những hoạt động ngoại giao khác như ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài... để tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Bối cảnh có nhiều biến động càng đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải sáng tạo, làm mới các hoạt động ngoại giao văn hóa. Vẫn là giới thiệu hình ảnh Việt Nam, nhưng phải làm sao để những người nước ngoài đã hiểu Việt Nam vẫn phải ngỡ ngàng rằng hóa ra Việt Nam còn nhiều điều mới mẻ, cần tiếp tục khám phá; còn những người chưa biết nhiều về Việt Nam sẽ thấy nơi đây thật thú vị, đáng để đến, đáng để tìm hiểu. 

Khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế, chúng tôi nhận ra một điều, đó là muốn để họ hiểu và yêu văn hóa Việt thì trước hết, chúng ta phải hiểu và yêu văn hóa của mình, phải giới thiệu được ngọn nguồn câu chuyện, lẩy ra được cái hay, cái đẹp về văn hóa; cách làm phải nghiêm túc và có chuyên môn. Bên cạnh đó, cũng cần làm sao để công chúng dễ dàng tiếp cận được vốn quý văn hóa Việt Nam. 

Thú vị những câu chuyện về ngoại giao văn hóa
Giới thiệu tranh Đông Hồ trong sự kiện Ngày Việt Nam tại Áo. Ảnh: PHƯƠNG CHI. 

PV: Ngoại giao văn hóa được thực hiện thế nào trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, thưa ông?

Ông Trần Quốc Khánh: Có thể kể đến sự kiện Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 30 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Dịch Covid-19 bùng phát khiến Thụy Sĩ và ta đều đóng cửa. Chúng tôi xin phép chuyển hướng sang làm trực tuyến nhưng xác định đầu cầu như thế nào là một vấn đề. Đầu cầu ở Hà Nội phải cân nhắc tới các yếu tố kiểm dịch đã đành, còn đầu cầu ở Thụy Sĩ thì bố trí như thế nào về mặt kỹ thuật? Sau nhiều bàn thảo, liên lạc, chúng tôi tìm ra giải pháp là phối hợp với kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện chương trình với 3 đầu cầu: Hà Nội, Bern, Geneva.

Khi đó, cả ekip lại phát hiện khó khăn nữa là khác biệt về múi giờ. Mẫu số chung về thời gian lại cho kết quả đúng vào giờ ăn trưa! Điều này rất tế nhị vì bạn bè quốc tế thường giờ nào việc đấy, giờ nghỉ là họ nghỉ, giờ làm họ mới làm. Chúng tôi chợt nghĩ ra, tại sao không tranh thủ luôn giờ ăn trưa ấy để giới thiệu về món phở Việt Nam một cách rất nhẹ nhàng, tự nhiên? Thế là chúng tôi điều chỉnh kịch bản để bố trí đầu bếp Vũ Dino, từ căn hộ của mình tại Việt Nam, giới thiệu về cách làm món phở Việt Nam tại nhà, chứ không phải ở ngoài hàng quán. Khi anh ấy kết thúc phần biểu diễn của mình thì vừa tới giờ ăn trưa, cũng là lúc người của ta ở đầu cầu Bern và Geneva đưa món phở đến trước mặt các vị khách mời. Vậy là, họ được nghe, xem rồi thưởng thức món phở Việt Nam đúng vào giờ ăn trưa. Các bạn quốc tế đều rất thích thú. Sau đó, một người bạn nói lại với chúng tôi rằng họ có hai điều nhầm lẫn. Một là họ cứ nghĩ phở chỉ ăn sáng như là một bữa phụ, giờ mới biết phở có thể ăn vào bất kỳ lúc nào trong ngày. Hai là món phở không chỉ ra hàng mới ăn được, mà mỗi gia đình đều có thể tự làm món phở. Đó là một kỷ niệm vui vì chúng tôi đã biến một thách thức thành giá trị tăng thêm cho món phở. 

PV: Ngoài Thụy Sĩ, còn câu chuyện nào thú vị ở những quốc gia khác?

Ông Trần Quốc Khánh: Một câu chuyện nữa liên quan tới Ngày Việt Nam tại Áo năm 2022. Áo là một quốc gia thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam từ năm 1972, thời kỳ mà chúng ta còn rất khó khăn. Những người bạn đã đến với chúng ta từ thời kỳ khó khăn thì rất đáng quý. Vì thế, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ với Áo có ý nghĩa chính trị rất lớn. Đây là dịp để cho thấy Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại-kinh tế sao cho tương xứng với quan hệ chính trị. Chúng tôi chọn con đường dùng văn hóa để chuyển tải thông điệp đó. Nhưng nếu làm theo "công thức" truyền thống thì khó tạo được dấu ấn vì công chúng Áo rất khó tính trong thụ hưởng văn hóa. Để bạn bè Áo thẩm thấu hết văn hóa Việt Nam thì phải tìm ra những cách giới thiệu sáng tạo hơn, hay hơn. Chúng tôi quyết định sử dụng nhạc thính phòng ở lễ kỷ niệm chính thức. Lúc đó có ý kiến băn khoăn rằng làm vậy khác nào “đánh trống qua cửa nhà sấm”, vì Áo là quốc gia số một thế giới về nhạc giao hưởng. Các nghệ sĩ Việt Nam thì cảm thấy áp lực kinh khủng. Liệu chúng ta làm có “tới” được không? Nhưng chúng tôi nghĩ, làm gì cũng có lần đầu, nếu mình không dám làm thì sẽ không bao giờ thực hiện được.

Sau nhiều nỗ lực chuẩn bị, cuối cùng, tại Phòng hòa nhạc Mozart thuộc Konzerthaus giữa thủ đô Vienna, lần đầu tiên vang lên Quốc ca Việt Nam, Áo theo phong cách opera, lần đầu tiên một số tác phẩm âm nhạc Việt Nam được các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn một cách đầy tự tin, chững chạc cho công chúng Áo và quốc tế. Sau buổi biểu diễn, nếu như một số khán giả là người Việt chia sẻ với chúng tôi rằng họ cảm thấy đầy tự hào khi Quốc ca Việt Nam được cử lên theo phong cách opera thì nhiều bạn bè quốc tế cho biết họ đã hiểu hơn trình độ phát triển và vị thế của Việt Nam. Chứng kiến vị khách quan trọng nhất của buổi lễ lúc ấy là ông Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Áo say sưa nghe nhạc, nét mặt thư giãn khi nghe tác phẩm của Việt Nam và thích thú khi nghe tác phẩm của Áo, chúng tôi cũng thấy tan hết mệt mỏi...

PV: Theo ông, qua các hoạt động ngoại giao văn  hóa, chúng ta thu được những gì?

Ông Trần Quốc Khánh: Qua những sự kiện văn hóa tổ chức ở nước ngoài, chúng tôi còn nhận thấy một điều thú vị nữa là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là những người tham gia rất nhiệt tình. Họ hồ hởi và coi đó là ngày hội, là dịp để gặp nhau. Có nhiều người thuộc thế hệ người Việt trẻ được sinh ra ở nước ngoài chưa hiểu biết nhiều về văn hóa Việt Nam. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin chưa đúng, chưa đầy đủ về văn hóa Việt Nam. Sau khi tham gia một số hoạt động ngoại giao văn hóa, nhiều bạn trẻ nói rằng không ngờ văn hóa Việt Nam lại thú vị đến vậy. Văn hóa giúp họ hiểu hơn cội nguồn của mình. Nhiều bạn trẻ cho biết sẽ trở về Việt Nam để tham quan hay thực hiện các hoạt động xã hội. Như vậy, văn hóa giúp gắn kết hơn nữa cộng đồng người Việt Nam với Tổ quốc, giúp họ cảm thấy họ thực sự là một phần của Việt Nam. Có những gia đình quan niệm con họ không cần biết tiếng Việt. Nhưng khi đến với không gian văn hóa Việt Nam, chính các bạn trẻ lại nhận ra văn hóa Việt có nhiều thứ hay ho và từ đó họ mong muốn học tiếng Việt. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!