Sáng nay (14/12), tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều ý kiến của các địa phương đã gửi đến ngành giáo dục.
Là địa phương có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số, phát biểu tại hội nghị, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục được nâng lên; công tác duy trì sĩ số được chú trọng, tỉ lệ huy động các cấp học đạt kết quả cao và ổn định; kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững ở 100% xã, phường, thị trấn (cấp Tiểu học duy trì phổ cập giáo dục mức độ 3).
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng gửi gắm nhiều trăn trở khi cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép, 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép, thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời, vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1029 giáo viên so với định mức quy định.Giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn, cơ chế chưa đảm bảo.
“Trước những khó khăn trên trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GD&ĐT, Ban cán sự Đảng, Bộ Chính trị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, qua đó đảm bảo đồng nhất liên thông giữa các chỉ tiêu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, theo tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, đảm bảo lương nhà giáo được ưu tiên, yên tâm gắn bó với nghề”, ông Dương Xuân Huyên kiến nghị.
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo những kết quả thực hiện Nghị quyết 29 của Thủ đô, trong đó nổi bật là công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, đẩy mạnh phân cấp, phát huy tính tự chủ tự chịu trách nhiệm. Chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên được hoàn thiện.
Tuy nhiên trong, quá trình thực hiện, ông Cương nhận thấy còn một số vấn đề tồn tại và đưa ra một số kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn ngành giáo dục tiếp tục quan tâm đến Hà Nội, đến giáo dục Thủ đô. Ngành giáo dục Hà Nội đề xuất bổ sung phần thực hiện chính sách về tiền lương cho nhà giáo, thực hiện tự chủ tại các trường phổ thông. Đề nghị ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các nhà máy, xí nghiệp, các trường đại học khỏi nội đô cho xây dựng trường công lập”.
Đề nghị Bộ GD&ĐT có ý kiến sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó có một số nội dung liên quan đến giáo dục.
Cùng với đó, đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh xem xét điều chỉnh số lượng cấp phó tại các trường có quy mô lớn như trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường trọng điểm. Đặc biệt, bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên, không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, những định hướng đổi mới giáo dục, quy định tại Nghị quyết 29 đã tạo điều kiện cho giáo dục Tp.HCM phát huy thế mạnh, đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm, và sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Theo đó, Tp.HCM dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỷ đồng/năm; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại.
Trong những năm qua, ngành giáo dục thành phố đã có những đổi mới đồng bộ, toàn diện, từ hình thức, mô hình, phương pháp dạy học đến đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá. Với quan điểm lấy kiểm tra, đánh giá làm khâu đột phá trong đổi mới, ngành giáo dục thành phố đã thay đổi tư duy kiểm tra đánh giá từ việc đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh.
Tham luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh – Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đề nghị, nghiên cứu bổ sung huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết.
Sau hơn 20 năm, các trường trong quân đội đào tạo trên 93 nghìn người trình độ ở hệ dân sự. Thực hiện Nghị quyết 29, từ 2017, Bộ Quốc phòng chỉ đạo giảm dần đào tạo hệ dân sự. Đến năm 2020 dừng tuyển sinh đào tạo hệ này. Hiện các trường trong thuộc Bộ Quốc phòng được sắp xếp theo hướng chuyên sâu.
Dự báo tình hình thế giới khó lường, xuất hiện hình thái mới là “tấn công mạng” nên nhu cầu nhân lực trên lĩnh vực an toàn mạng rất lớn.
Xuất phát từ thực tiến, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh nhấn mạnh, việc các trường trong quân đội đào tạo không chỉ góp phần bổ sung nhân lực cho xã hội mà còn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng.