Tiếp sức cho phát triển năng lượng sạch ở các nước đang phát triển

Vũ Xuân Kiên

Phát triển năng lượng tái tạo để "chuyển đổi xanh" đang trở thành làn sóng mạnh mẽ trên toàn cầu, nhất là tại các nước phát triển. Tuy nhiên, các nước đang phát triển đều đói vốn để phát triển năng lượng sạch và cộng đồng quốc tế cần tiếp thêm nguồn lực đầu tư để các nước này cũng đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030.

Liên hợp quốc cuối tuần qua đã kêu gọi đầu tư quy mô lớn cho năng lượng sạch ở các nước đang phát triển, nếu không sẽ có rất ít hy vọng để đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), các nước đang phát triển cần các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo trị giá khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm nhưng mới chỉ thu hút được khoảng 544 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài cho năng lượng sạch trong năm 2022.

trang-trai-dien-gio-o-phap-thang9-2022-3711-1688789548.jpg
Turbine gió tại trang trại điện gió ngoài khơi Saint-Nazaire, bờ biển bán đảo Guerande ở miền tây nước Pháp, ngày 30/9/2022. (Ảnh: Reuters)

Thông điệp nêu trên của Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đã diễn ra rất mạnh mẽ ở các nước phát triển, nhất là các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) trong mấy năm qua, nhưng vẫn khá trì trệ ở hầu hết các quốc gia đang phát triển.

Có hai nguyên nhân dẫn đến việc làn sóng năng lượng xanh gia tăng trên thế giới: Một là, quan ngại về biến đổi khí hậu do Trái đất ấm lên; hai là, các nước châu Âu tăng tốc tự chủ năng lượng sau khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine.

Trong báo cáo mới công bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo sản lượng năng lượng tái tạo mới sẽ tăng 107 gigawatt so với năm 2022, mức tăng kỷ lục, lên hơn 440 gigawatt trong năm 2023. Đóng góp phần lớn vào mức tăng này là việc triển khai mạnh mẽ các hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phản ánh nhu cầu tìm những giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tổng sản lượng năng lượng tái tạo trong năm tới dự kiến sẽ tăng lên 4.500 gigawatt.

Châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng năng lượng sạch nhanh do cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan xung đột Ukraine, trong khi các biện pháp chính sách mới được cho là sẽ giúp sản lượng của Mỹ và Ấn Độ tăng đáng kể trong hai năm tới. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này, đóng góp tới 55% tổng sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm trong năm 2023 và 2024.

IEA cho biết đầu tư toàn cầu vào công nghệ năng lượng sạch trong năm 2023 dự kiến sẽ vượt xa đáng kể mức chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch. Trong số 2.800 tỷ USD dự kiến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong năm 2023, hơn 1.700 tỷ USD là vào các lĩnh vực năng lượng sạch như năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.

Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo trên quy mô toàn cầu vẫn tồn tại những nút thắt lớn mà nếu không kịp thời tháo gỡ, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế.

Trước hết, việc phát triển năng lượng xanh đang rất chênh lệch giữa các nhóm nước phát triển và nước đang phát triển. Theo báo cáo Đầu tư Thế giới của UNCTAD, kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo đã tăng gấp 3 lần nhưng phần tăng tập trung chủ yếu ở các nước phát triển.

Trong phát biểu hôm 5/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới sẽ không được đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và không thể bảo vệ Trái đất và tương lai, nếu lĩnh vực tư nhân không đầu tư quy mô lớn cho năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển.

Ông cũng cho biết, thế giới đang hành động chậm ít nhất là 10 năm trong các nỗ lực nhằm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu. Do đó, đầu tư cho năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển là việc cần làm ngay và là cách tiết kiệm nhất để lấp đầy khoảng trống năng lượng.

Một yếu tố nữa cản bước đà phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu là các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch vẫn rất lớn. Báo cáo của UNCTAD công bố cuối tuần qua chỉ ra rằng, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trên thế giới vẫn tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022 là 1.000 tỷ USD, cao gấp 8 lần trợ cấp cho năng lượng tái tạo.

Việc dành các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch tại nhiều quốc gia chính là thủ phạm làm cản trở đầu tư cho chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vì khiến các nguồn năng lượng xanh khó cạnh tranh hơn, nhất là khi không nhận được cùng một mức trợ cấp như nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, việc thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng thấp, cũng là những rào cản đối với phát triển năng lượng tái tạo.

Để bảo đảm thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030, chuyển đổi xanh trong phát triển mà nòng cốt là chuyển đổi năng lượng xanh, phải trở thành mệnh lệnh cấp bách ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, công cụ tài chính xanh cần được xác định là chìa khóa cho tiến trình chuyển đổi nêu trên. Để đồng hành thúc đẩy làn sóng xanh trên toàn cầu, các nước phát triển và các định chế tài chính quốc tế cần quan tâm nhiều hơn việc cung ứng nguồn vốn phù hợp và giảm nợ cho các nước đang phát triển để họ có thể dành ngân sách đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng sạch.