Tìm nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển blockchain

Admin

Từ số lượng người dùng Internet, độ sẵn sàng cho đến sự tiên phong của giới công nghệ trẻ, Việt Nam được đánh giá là thị trường có lợi thế trong lĩnh vực blockchain.

Blockchain là một công nghệ mới, đòi hỏi nhân sự làm việc phải luôn học hỏi và thay đổi nhanh chóng, ngoài ra các đơn vị tuyển dụng cũng sẽ có những tiêu chuẩn khác biệt so với các ngành còn lại. 

Đó là nhận định của ban tổ chức sự kiện Near Apac sắp tố chức vào ngày 9 - 10/9 tại Tp.HCM, kỳ vọng quy mô hơn 8.000 người với những chủ đề về lập trình, khởi nghiệp,...

Tại họp báo giới thiệu sự kiện vào ngày 18/8, ông Phạm Văn Hưởng, người sáng lập quỹ đầu tư GFS Ventures, đại diện ban tổ chức cho biết, cộng đồng thường nghĩ blockchain chỉ liên quan đến tài chính, do đó thường nhắc đến blockchain với những rủi ro đi kèm. Tuy nhiên trên thực tế, blockchain có thể được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau như giáo dục, giải trí, logistic,...

Theo ông Hưởng, trong 5 năm tới, blockchain sẽ phát triển mạnh và nhu cầu về nguồn nhân lực là vô cùng lớn. Do đó, sinh viên theo học ngành blockchain cần nỗ lực trau dồi kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, Internet,…

Ngoài các chương trình đào tạo chuyên môn thuần tuý, sinh viên, người lao động trẻ Việt Nam cần có thêm các chương trình đào tạo về các vị trí khác nhằm tạo ra sự đồng bộ kiến thức, kỹ năng về blockchain.

Nhận thấy việc đào tạo, giảng dạy về công nghệ blockchain trong các trường đại học vẫn còn khá khiêm tốn, sự kiện Near Apac mong muốn tạo diễn đàn để sinh viên, người lao động lĩnh vực này gặp gỡ, tìm kiếm vị trí việc làm phù hợp trong ngày hội tuyển dụng tại đây.

"Nếu xây dựng được khung chương trình phù hợp, blockchain sẽ không khó, ngành blockchain sẽ khai thác được nguồn nhân lực vô cùng to lớn trong tương lai", ông Hưởng nhấn mạnh.