Tỉnh này "đã hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc trung ương"

Admin

Lãnh đạo tỉnh này cho biết trong quá trình phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tỉnh này "đã hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc trung ương"- Ảnh 1.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10, phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã diễn ra. Các đại biểu Quốc hội đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo Thừa Thiên Huế dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết trong quá trình phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đó là xây dựng mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Huế đã hình thành, phát triển được các trung tâm về văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ của cả nước. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản cũng đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng; kinh tế tăng trưởng khá; đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng lên; quốc phòng an ninh được đảm bảo.

Tỉnh này "đã hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc trung ương"- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà , Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nêu việc đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, cả nước dốc sức, ủng hộ cho Huế hướng tới mục tiêu này.

Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là quyết định mang tính lịch sử, để tạo nên một thành phố Huế đặc trưng, góp phần tạo ra sự đa dạng cho hệ thống đô thị trực thuộc Trung ương của Việt Nam; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước trong tương lai.

“Tôi cho rằng, đây là thời điểm chín muồi và Huế cũng đã hội tụ tất cả các điều kiện theo quy định của luật để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ”, bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Trở thành phố trực thuộc Trung ương thì vấn đề tư tưởng, tư duy và nhận thức phải được “giải phóng”. Rõ ràng, việc thay đổi tư duy trở thành tư duy, nhận thức, tư tưởng của đô thị lớn cần nỗ lực rất lớn để thay đổi.

Sau khi hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Trung ương cũng sẽ đánh giá lại để tiếp tục có những cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho Huế.

Tỉnh này "đã hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc trung ương"- Ảnh 3.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng công tác bảo tồn si sản sẽ rất khó khăn và cần nguồn lực lớn nên địa phương không thể tự túc. “Do vậy, tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội một số ý liên quan đến nội dung này, để từ đó Chính phủ có cơ sở hỗ trợ về nguồn lực cần thiết cho thành phố Huế làm tốt công tác bảo tồn di sản.

Tôi cũng băn khoăn khi trong Đề án có gắn Huế với chủ trương đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nếu không khéo thì công nghiệp hóa, đô thị hóa lại lấn át chức năng đô thị di sản”, ông Nghĩa nói.

Huế có thể sẽ là thành phố thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam

Chiều 30/10, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Theo đề án, thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11km2 và 1.236.393 người ; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).

Tỉnh này "đã hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc trung ương"- Ảnh 4.

Đề án đã có đánh giá tác động kỹ lưỡng; xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc trung ương; phương án sử dụng trụ sở, tài sản công và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế trực thuộc trung ương sau khi được thành lập.

Đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế-xã hội, tạo đột phá mới dựa trên nền tảng, thế mạnh và đặc thù của địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong địa phương, giữa vùng trung tâm và vùng ngoại vi.

Đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố để tạo động lực cho thành phố Huế trực thuộc trung ương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Nếu được thông qua, Huế sẽ là thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam ; sau Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.